Getty Images _ Cố đô Krakow, Ba Lan
Tôi có người bạn Ukraine tên là Anton đang làm thiết kế nội thất tại Ba Lan. Anton sinh ra và lớn lên tại thành phố Lviv
miền Tây Ukraine gần biên giới với Ba Lan.
Thành phố Lviv cùng vùng đất rất lớn phía Tây Ukraine đến năm 1939 vẫn thuộc Ba Lan nên Anton nói tiếng Ba Lan rất tốt.
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, ỷ thế là nước Đồng minh chiến thắng, Liên Xô đã cắt phần lãnh thổ này của Ba Lan để sáp nhập vào Ukraine.
Tuần trước, khi nguy cơ Nga tấn công Ukraine rất cao, tôi hỏi Anton: "Nếu chiến tranh nổ ra thì anh ở lại đây hay về Lviv?"
Anton hồn nhiên: "Vợ con tôi ở đấy thì tôi vẫn phải chạy đi chạy lại chứ. Mà sợ quái gì. Nếu Nga có thể chiếm được thủ đô Kiev, lúc đó Lviv sẽ là thủ đô kháng chiến của Ukraine, Nga chả đủ sức đánh tới Lviv đâu."
Chỉ là nhà thiết kế nội thất đang làm việc tại Ba Lan mà Anton phán giống như một nhà chính trị, quân sự chuyên nghiệp vậy.
Nhưng đúng là mấy ngày nay, lo Nga tấn công Ukraine, cơ quan NATO và Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Kiev đã chuyển trụ sở và nhân viên về thành phố Lviv làm việc.
Mối quan hệ khăng khít Ba Lan - Ukraine
Ba Lan và Ukraine là hai quốc gia vừa là láng giềng với chiều dài biên giới chung hơn 530km, vừa có huyết thống của tộc người Slavs cổ, vừa có lịch sử gắn bó lâu dài. Dân số hai nước tương đương nhau (Ba Lan 38 triệu, Ukraine 41 triệu), nhưng lãnh thổ Ba Lan chỉ bằng một nửa Ukraine (Ba Lan 312 nghìn km2, Ukraina 604 nghìn km2).
Getty Images_Nền dân chủ đa đảng ở Ba Lan: các ứng viên tranh cử tổng thống trên thảo luận truyền hình
Về địa chính trị, Ba Lan hiện là quốc gia tiền đồn phía Đông của Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) giáp giới với Belarus đồng minh của Nga. Gần như chắc chắn Ba Lan sẽ trở thành hậu phương Phương Tây quan trọng nhất của Ukraine nếu chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra.
Ba Lan hiện là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và NATO.Tuy Ukraine chưa phải là thành viên của hai tổ chức quốc tế này, nhưng Ba Lan và Ukraine vẫn có mối quan hệ tương hỗ khá mật thiết về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Những năm gần đây có khoảng 1,5 triệu người Ukraine sống và làm việc tại Ba Lan. Theo đánh giá của thủ tướng Ba Lan, lao động người Ukraine hàng năm đóng góp khoảng 0,5% tăng trưởng GDP của Ba Lan.
Đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng nên Ba Lan rất cần nguồn lao động tri thức, tay nghề cao, lại gần gũi về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo từ Ukraine. Ngày 15/2/2022, chính phủ Ba Lan tuyên bố sẵn sàng mở cửa để đón nhận hàng triệu người tị nạn từ Ukraine nếu chiến tranh Nga - Ukraine bùng phát.
Gần đây, nhân chuyến thăm Kiev của bà Liz Truss Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh, ba nước Anh, Ba Lan và Ukraine đã ký kết một liên minh an ninh ba bên nhằm "ngăn chặn sự hung hãn của Liên bang Nga".
Liên minh Anh-Ba Lan-Ukraine ra đời để làm gì?
Bất ổn ở Ukraine 'còn tiếp' và bài học ứng xử cho Việt Nam
Phương Tây lên án sắc lệnh của Putin 'công nhận' Donetsk và Luhansk
Mỹ luân chuyển thêm 1000 quân sang Ba Lan
Văn bản đó đã được Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh công bố trên mạng hôm 17/02/2022 khi bà Truss đang có mặt ở Kiev và sắp sang Warszawa để thảo luận tiếp về an ninh vùng, và gọi đây là "Nghị định thư về hợp tác ba bên". Sắp tới, Liên minh này có thể có thêm 3 nước Cộng hòa Baltic thuộc Liên Xô cũ, bây giờ đang là thành viên của khối quân sự NATO.
Trong trường hợp Nga tấn công Ukraine thì các nước thành viên NATO sẽ không động binh trực tiếp vì điều này dễ "dẫn đến chiến tranh với Nga" như tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự lo ngại. Thay vào đó, NATO sẽ cung cấp ồ ạt vũ khí cho Ukraine, mà chắc chắn là biên giới Ba Lan và Ukraine sẽ là cửa ngõ chính để NATO đưa vũ khí vào "chiến trường" Ukraine.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Nga về Ukraine, ngày 18/02/2022, Bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo đã chấp thuận bán 250 xe tăng tấn công Abrams trong gói hợp đồng trị giá 6 tỉ USD cho Ba Lan, để giúp Ba Lan "đối phó với những mối đe dọa hiện nay và trong tương lai" ở châu Âu.
"Đây là một trong những hợp đồng vũ khí quan trọng nhất trong lịch sử Ba Lan", là "một thời kỳ mới rất quan trọng đối với an ninh quốc gia", và "là sự tăng cường rất quan trọng khả năng phòng thủ của Ba Lan". Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak tuyên bố với báo chí.
AFP - Quân đội UkraineGiữa lúc căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, Mỹ quyết định đưa thêm quân và vũ khí đến Ba Lan để trấn an đồng minh tuyến đầu NATO này. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ ngày 11/2 cho biết 3.000 binh sĩ thuộc sư đoàn dù số 82, lực lượng phản ứng nhanh của Mỹ những ngày tới sẽ rời căn cứ để đến Ba Lan.
Chiến tranh, rồi thì sao?
Mặc dù tình hình biên giới Nga và Ukraine gần 1 tháng nay nóng lên từng ngày nhưng Cuộc chiến tranh "dự kiến" giữa hai nước láng giềng của Ba Lan hầu như chỉ diễn ra trong đầu các nhà lãnh đạo và trên các diễn đàn chính trị quốc gia Ba Lan mà như chưa hề có trong cuộc sống thường ngày.
Ở thủ đô Warsaw, siêu thị vẫn tấp nập, người tham gia giao thông công cộng vẫn hối hả, quán xá vẫn đông vui và rất ít ai hỏi nhau về tình hình đang căng thẳng phía bên kia bên giới.
Nga và Ukraine đang bên bờ vực chiến tranh, nhưng lúc này, việc đó không phải là mối bận tâm của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.
Đối với họ, tỉ lệ lạm phát do Cục Thống kê Ba Lan công bố tăng cao, cũng như giá điện nước và giá thực phẩm tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn và cuộc sống hàng ngày của họ đáng lo lắng hơn nhiều.
Đang sống trong tầm tên lửa và bom đạn, trong mối đe dọa quân đội Nga tràn qua đánh chiếm bất cứ lúc nào, nhưng những người bạn tôi ở thủ đô Kiev của Ukraine, hay thành phố Kharkiv biên giới với Nga không hề tỏ ra hoảng loạn, thậm chí nhiều người còn thờ ơ, bởi hầu hết trong số họ đều không tin chiến tranh sẽ xảy ra.
Khi tôi hỏi: "Có ý định đi sơ tán, lánh nạn ở đâu không?" Các bạn tôi ở Ukraine đều trả lời: "Không!"
"Cuồng Putin" - bạn là ai?
Lạ là Chiến tranh Nga - Ukraine chưa xảy ra trên chiến trường, nhưng lại đang diễn ra khá ác liệt trên truyền thông và mạng xã hội Việt Nam.
Ông Putin có dự định cầm quyền suốt đời
Nhóm ủng hộ Nga và Putin ở Việt Nam mà nòng cốt là một bộ phận cựu du học sinh Liên Xô, cùng một số dư luận viên cuồng tín ở Việt Nam thì múa bàn phím hô hào quân đội Nga tiến chiếm Ukraine, một nước Cộng hòa hơn 30 năm trước còn là anh em trong đại gia đình Liên bang Xô viết. Một số kẻ còn hung hãn, đòi "làm cỏ" thủ đô Kiev của Ukraine.
Các bài viết về cuộc xung đột Nga - Ukraine của truyền thông được gọi là chính thống ở Việt Nam những ngày qua đa phần ủng hộ Nga và Putin.
Có nhiều nguyên nhân. Hoặc là bởi chính sách của tuyên giáo qui định thế, không thể viết khác. Hoặc đó chính là tư duy, nhận thức của người viết thế, không thể viết khác.
Rất lạ là ở Việt Nam có nhiều người không du học Nga mà du học tại một trong 14 nước Cộng hòa còn lại thuộc Liên Xô cũng tham gia trong Nhóm ủng hộ Nga và Putin.
Rất lạ là ở Việt Nam có một số người du học Ukraine chứ không phải du học Nga cũng tham gia trong Nhóm ủng hộ Nga và Putin.
Rất lạ là ở Việt Nam có nhiều người chưa từng đặt chân tới Nga, cũng như Liên Xô.
Họ có thể không yêu Nga, cũng chẳng ghét Ukraine, chỉ vì họ yêu chế độ cộng sản Việt Nam, ghét Mỹ, ghét Phương Tây mà tham gia
Nhóm ủng hộ Nga và Putin.
Trong số những người ủng hộ Nga và Putin ở Việt Nam, đa phần không phân biệt được, nước Nga và Putin là hai chủ thể khác nhau.
Nước Nga của nhân dân Nga. Nước Nga không phải của riêng Putin.
Tôi yêu đất nước Nga, dân tộc Nga, con người Nga và văn hóa Nga. Con rể tôi là người Nga (gốc Saint Petersburg). Nhưng tôi ghét độc tài tham quyền cố vị Putin. Putin không vì lợi ích dân tộc Nga và đất nước Nga, Putin chỉ vì lợi ích bản thân.
Quyền lực Putin và chủ quyền quốc gia của Ukraine
Tổng thống Nga Putin đang đẩy quan hệ Nga - Ukraine đến bên miệng hố chiến tranh với lý do buộc Mỹ, Phương Tây, và NATO phải đảm bảo an ninh cho nước Nga với những cam kết: NATO không được kết nạp Ukraine làm thành viên Khối quân sự này, NATO không được tăng cường trang bị vũ khí và đặt tên lửa hạt nhân tại các nước Trung và Đông Âu.
Thậm chí Putin còn đòi hỏi NATO phải trở lại nguyên trạng trước năm 1997 tức là NATO phải rút hết quân số và vũ khí khỏi các nước Đông Âu được kết nạp vào tổ chức này sau năm 1997 như Ba Lan, Czech, Slovakia, Romania, Bulgaria và ba nước cộng hòa vùng Baltic...
Để bảo vệ quyền tự quyết của các quốc gia, Mỹ và các nước Phương Tây kiên quyết bác bỏ các đòi hỏi hết sức trịch thượng và cực kỳ phi lý của Putin. Thực trạng hiện nay, các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bay từ 3 nước Cộng hòa Baltic, từ Ba Lan, hay từ tầu ngầm hạt nhân trên biển Bắc đến Moscow chẳng lâu hơn bay từ Ukraine.
Bài toán của Putin không muốn Ukraine tham gia Khối quân sự NATO thực chất là, nếu Ukraine gia nhập NATO thì khi Ukraine thực thi chủ quyền với bán đảo Crimea (mà Nga cưỡng chế trái phép), và với hai nước cộng hòa tự xưng vùng Donbass (thuộc chủ quyền của Ucraine) thì Nga không có cửa can thiệp.
Vì qui chế của NATO là nước nào xâm phạm chủ quyền của một nước thành viên NATO thì NATO có nghĩa vụ và trách nhiệm phải bảo vệ.
Theo Hiến chương Liên Hợp quốc, Nga và Ukraine là hai quốc gia có quyền tự quyết như nhau và hoàn toàn bình đẳng trước luật và thông lệ quốc tế. Nga không thể lấy quyền nước lớn để buộc Ukraine, cũng như Mỹ và các nước Phương Tây không được làm thế này, mà phải làm thế kia theo sự áp đặt của Nga.
Thật dễ dàng nhận thấy rằng Putin không muốn thả Ukraine vào thế giới dân chủ Phương Tây, mà muốn kìm giữ Ukraine trong vòng cương tỏa của nước Nga tuy đang rất rệu rã.
Phải chăng tham vọng khôi phục Đế chế Nga với sự thống trị của Đại đế Sa Hoàng Nga đang là giấc mơ cháy bỏng và hoang tưởng của nhà độc tài Putin?
Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà văn Trần Quốc Quân hiện sống tại Warsaw, CH Ba Lan.
Một số người Việt dũng cảm phản đối động thái của Nga đối với Ukraine
Người biểu tình đứng trước Đại sứ quán Nga ở Kiev, Ukraine, hôm 22/2 khẳng định "Chúng tôi không đầu hàng", "Donbass là Ukraine", "Đế chế phải chết".
Trong những ngày này, một số người Việt có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội lên tiếng phản đối động thái của Nga xâm hại chủ quyền, lãnh thổ của Ukraine. Họ được xem là những tiếng nói dũng cảm trong bối cảnh truyền thông chính thống và nhiều hội nhóm ở Việt Nam tỏ ra ủng hộ Nga.
Ngay sau khi Tổng thống Nga Putin công nhận hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine hôm 22/2, ông Ngô Quý Nhâm, một nhà nghiên cứu và giảng viên lâu năm về kinh doanh quốc tế, bày tỏ “căm phẫn” với hành động của ông Putin.
Ông Nhâm viết trên trang Facebook cá nhân có hơn 11.000 người theo dõi rằng ông có quan điểm như vậy vì đó “đơn giản là vấn đề đạo lý và sự cảm thông với người dân Ukraine khi bị Nga xâm lược”.
Nhà nghiên cứu kiêm giảng viên này gọi hành động của ông Putin là “cướp nước” với “thủ đoạn bẩn thỉu, hèn hạ”. Ông Nhâm nói thêm rằng mức độ tôn trọng của ông dành cho vị tổng thống Nga “giờ đây chỉ là con số âm”.
Nhà bình luận thế sự Dương Quốc chính có khoảng 55.000 người theo dõi trên mạng xã hội gọi động thái mới nhất của Tổng thống Putin là “động thái leo thang rất nguy hiểm” và “ngang nhiên vi phạm nguyên tắc bảo toàn lãnh thổ của quốc gia láng giềng Ukraine”.
Nữ tiến sĩ Khuất Thu Hồng, một nhà xã hội học từng du học ở cả hai nước Ukraine và Nga, nhắc lại kỷ niệm rằng hồi ngày 17/2/1979, khi Trung Quốc đánh Việt Nam, nhiều người Ukraine xuống đường phản đối Trung Quốc.
Giờ đây, khi đất nước và người dân Ukraine vừa trong cảnh khốn khó, lại vừa bị Nga đe dọa, bắt nạt, bà Hồng thấy “bất bình” và bà khẳng định “không bao giờ ủng hộ thói cá lớn nuốt cá bé”.
“Hãy để cho Kiev và người dân Ukraine được sống trong hòa bình”, nữ tiến sĩ được nhiều người biết tiếng ở Việt Nam đưa ra lời kêu gọi trên trang cá nhân.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một nhà phân tích, bình luận kinh tế thường xuyên được báo chí Việt Nam và nước ngoài phỏng vấn, cảnh báo trên trang Facebook của ông rằng diễn biến mới nhất hôm 22/2 là điều “rất đáng lo ngại đối với Việt Nam”.
Ông Doanh viết ngắn gọn rằng “Nếu Putin có thể hành động như thế này thì Bắc Kinh cũng có thể hung hăng hơn ở Biển Đông”. Tiếp đến, vị tiến sĩ khuyến cáo Việt Nam “phải nêu cao cảnh giác” và “sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Đây là tầm nhìn mà thạc sĩ Ngô Quý Nhâm và nhà bình luận Dương Quốc Chính cũng chia sẻ.
Nhà nghiên cứu và giảng viên Ngô Quý Nhâm lưu ý rằng nước láng giềng Trung Quốc từng chiếm biển, đảo của Việt Nam với lý do “chủ quyền lịch sử” hay “bảo vệ” người gốc Hoa ở Việt Nam.
Ngày nay, việc Nga gặm nhấm dần lãnh thổ của Ukraine hoàn toàn cũng có thể được Trung Quốc áp dụng đối với Việt Nam, ông Nhâm lên tiếng báo động.
Về thực tế là Việt Nam từng có hàng vạn người du học ở Nga dưới thời Liên Xô cũ và hiện tại vẫn có rất nhiều người Việt thân Nga, ông Nhâm nhìn nhận chuyện “yêu cuồng nước Nga và Putin” là “quyền cá nhân”. Nhưng ông Nhâm cho rằng những người ủng hộ việc Nga công nhận các vùng ly khai ở Ukraine là những người có “thứ tình yêu mù quáng, phi nghĩa”.
Ông Nhâm chỉ ra rằng quan hệ Ukraine-Nga và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc có sự tương đồng của thân phận nước nhỏ bên cạnh nước lớn, thường xuyên bị đe dọa. Vì vậy, ông kêu gọi những người Việt thân Nga “hãy tỉnh ngộ”.
Cùng lúc, nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo coi thực trạng có không ít người Việt biện hộ cho các động thái của Nga “nuốt” lãnh thổ của Ukraine là một nghịch lý, vì nếu như Trung Quốc cũng muốn thôn tính Việt Nam với lý do lịch sử, chắc chắn chẳng người Việt nào chấp nhận cả.
Nhà bình luận Dương Quốc Chính xem việc nhiều người Việt và một số cơ quan báo chí chính thống tỏ thái độ ủng hộ Nga là điều “dại dột”.
Những bài viết của các ông Ngô Quý Nhâm, Dương Quốc Chính, Lê Đăng Doanh, Võ Văn Tạo và bà Khuất Thu Hồng được hàng trăm người khác lan tỏa tiếp qua chức năng share, cũng như nhận được hàng trăm lời bình luận với đa số bày tỏ rằng việc làm của Nga và Tổng thống Putin là đáng bị phản đối, lên án.
Theo quan sát của VOA, Việt Nam chưa lên tiếng ngay lập tức về động thái hôm 22/2 của Nga về vùng ly khai ở Ukraine, tuy nhiên, trong những ngày gần đây, một số cơ quan báo chí chính thống của Việt Nam trong đó có đài VTV, báo Quân Đội Nhân Dân, Tạp Chí Cộng Sản… đăng các bài phân tích, bình luận thể hiện thái độ ủng hộ Nga.
Nhà bình luận Dương Quốc Chính và bà Nguyễn Hoàng Ánh, một cựu giảng viên đại học được nhiều người biết tiếng, cùng nhiều người khác đưa ra đánh giá trên các trang cá nhân của họ rằng cách đưa tin, bình luận như vậy của báo chí Việt Nam là “không khôn ngoan”.
ST