Không một lời chú giải.. Nhìn qua Xray.. để quán triệt..Cho tới khi nào... Tự thấy: Đời là Kỳ diệu ! Khi đó lòng bạn mới thanh thản miên viễn,
Xin chúc các bạn nhiều nghị lực...
Đứng thẳng bằng chính đôi chân của mình.
Xin cảm ơn bạn.
X20/Dang Chi Binh
cuộc PV của BBC với ĐCB do Quốc Phương.. ...
Chuyên án BK63: 10 năm 'dắt mũi' CIA
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, với âm mưu "đánh Cộng sản trong lòng Cộng sản", Cơ quan Tình báo Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã tung ra miền Bắc hàng trăm tên gián điệp, biệt kích. Tất cả số này đều bị ta tiêu diệt hoặc bắt sống; không những thế, lực lượng Công an nhân dân (CAND) còn thực hiện thành công chiến thuật "dùng người của địch, phương tiện của địch để đánh lại địch". Chuyên án BK63 là một chiến công tiêu biểu của cuộc đấu tranh bí mật này.
Trong suốt 10 năm (1961- 1970), lực lượng an ninh đã dùng chính gián điệp mà CIA đánh ra Bắc để câu nhử CIA đưa phương tiện và nhiều toán biệt kích ra Bắc theo ý đồ của ta. Được sự giúp đỡ của Cục Chính trị Tổng cục An ninh, phóng viên Chuyên đề ANTG đã tiếp cận khá đầy đủ hồ sơ chuyên án. Loạt bài tư liệu này sẽ dựng lại phần nào cuộc đấu trí suốt 10 năm của các cán bộ an ninh với trung tâm CIA…
KỲ I: CHIẾC THUYỀN LẠ TRÊN BÃI BIỂN VÀ CUỘC TRUY LÙNG "NGƯỜI TRỞ VỀ"
1. Một buổi sáng đầu tháng 4/1961, cũng như bao buổi sáng khác, ông Ngột, một ngư dân ở thôn La Khê, xã Tiền An, huyện Yên Hưng, tỉnh Hồng Quảng (nay là Quảng Ninh) cùng một bạn chài từ trong làng ra bến thuyền để đi biển. Nhưng khi qua đầm Thùa (thôn La Khê), hai người bất ngờ thấy có một chiếc thuyền nan có kiểu dáng rất lạ, không giống như của ngư dân vùng Hồng Quảng đang sử dụng.
Tò mò, hai người đến xem thì thấy trong thuyền có hai chiếc bơi chèo, một chiếc giỏ đan bằng mây để đựng cá, một cần câu, một ống câu. Thấy những vật này bỏ trong chiếc thuyền vô chủ, ông Ngột đã lấy mang về nhà, còn chiếc thuyền thì mang để ở bến thuyền với ý định sẽ dùng chung. Nhưng sáng hôm sau, khi ra bến thì không thấy chiếc thuyền đâu nữa.
Chuyện chiếc thuyền lạ lập tức được báo cho Cơ quan Công an. Công an huyện Yên Hưng sau đó cử cán bộ đi xác minh đã tìm thấy chiếc thuyền lạ này ở một xã khác cách xã Tiền An 2km. Người chủ của chiếc thuyền trình bày rằng anh ta mua lại của một gia đình thuyền chài.
Đúng lúc chuyện chiếc thuyền lạ bỗng nhiên dạt vào bờ còn chưa hết xôn xao thì mấy hôm sau, anh Phạm Văn Hán, ở xã Tiền An lên báo với Công an xã rằng mẹ anh là bà Trới, chiều ngày 9/4 khi lên núi Đầm Thùa lấy củi thì bất ngờ thấy ở gần nhà Phạm Ốc có một người đàn ông lạ ngồi trong bụi rậm, xung quanh có rất nhiều quần áo. Khi thấy bà, người này úp mặt trên đầu gối như che mặt rồi gừ lên một tiếng nghe sởn tóc gáy, tưởng ma, bà vứt cả dao lẫn củi bỏ chạy về nhà.
Báo cáo của Sở Công an Hồng Quảng gửi Bộ Công an về việc bắt Phạm Chuyên. |
Khi Công an huyện cử cán bộ đến gặp bà Trới để hỏi chuyện này thì bà nói rằng không có gì cả, người ngồi trong bụi rậm hôm ấy là Phạm Ốc, hôm đó đi lấy dây rừng về buộc chuồng lợn, thấy bà đi một mình nên định trêu bà thôi. Sau đó Ốc đã đến nhà xin lỗi vì làm bà sợ.
Tuy nhiên, với các cán bộ an ninh, xâu chuỗi những thông tin lại đã khiến họ đặt một nghi vấn lớn hơn, bởi Phạm Ốc có một người anh ruột là Phạm Chuyên vốn là một phần tử chống đối ở địa phương nhưng hai năm trước đã bỏ trốn đi Nam.
Theo hồ sơ lưu tại Cơ quan Công an thì Phạm Chuyên sinh năm 1922, thời Pháp thuộc đi lính khố xanh và được đi học về điện đài. Sau Cách mạng Tháng Tám, Chuyên tham gia Cách mạng và được kết nạp vào Đảng và có một thời gian làm ở Ty Công an Quảng Yên. Tháng 10/1947, Chuyên bị Pháp bắt, sau được tha và làm thư ký hội đồng ở thị xã Hồng Gai. Tháng 5-1948, Chuyên bỏ về quê, sau đó chạy vào căn cứ địa cách mạng ở huyện Hoành Bồ và được kết nạp Đảng lại.
Cuối năm 1948, Chuyên được phân công phụ trách 3 xã ở huyện Yên Hưng; đầu năm 1949, Chuyên được điều về làm ở Ban Thi đua tỉnh; đầu năm 1950 chuyển sang làm ở Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Yên. Năm 1953, khi được cử đi học trường Đảng, Chuyên bị tố hủ hóa sau đó đã cùng tình nhân bỏ vào vùng địch nên lại bị khai trừ Đảng. Sau hòa bình, dù được bố trí công tác trong một cơ quan, nhưng cuối năm 1957, Chuyên bất mãn, nên bỏ cơ quan về và gọi cả em trai là Phạm Ốc lúc đó đang học y sĩ bỏ học về nhà.
Về quê, sẵn tư tưởng bất mãn nên Chuyên sáng tác ca dao, hò vè đả kích, khích động quần chúng đấu tranh. Tháng 6/1959, sau khi bị Tòa án nhân dân huyện Yên Hưng gọi lên xét hỏi về hành động chống đối chính quyền, khi được cho về viết kiểm điểm, Chuyên đã bỏ trốn đi Nam. Thời gian sau đó, có bưu thiếp của Chuyên gửi về báo tin Chuyên làm ăn phát đạt.
Một loạt câu hỏi được đặt ra: Phải chăng Phạm Chuyên đã quay về? Người ngồi trong bụi rậm chính là hắn? Việc Phạm Ốc tự nhận là người ở bụi cây dọa bà Trới là một trò đánh lạc hướng điều tra của công an và để dập tắt mọi sự nghi ngờ?
Một báo cáo khẩn cấp của Công an Hồng Quảng gửi về Bộ Công an. Sau khi nhận được chỉ thị của Bộ, một đội trinh sát tinh nhuệ bí mật triển khai bám sát những thành viên trong gia đình Phạm Ốc và theo dõi những biến động khả nghi ở vùng lân cận.
Đêm 6/6/1961, phát hiện Phạm Đắc, em ruột Phạm Chuyên, xách một túi vải đi về thị xã Quảng Yên với nhiều dấu hiệu nghi vấn, tổ công tác quyết định bắt Phạm Đắc đưa về Đồn Công an Quảng Yên. Tại đây, khi khám xét chiếc túi đã thu giữ một máy phát tin, một gói cơm nếp và một số thực phẩm. Đấu tranh ngay trong đêm, Đắc khai chiếc máy này là của Phạm Chuyên, chiếc thuyền nan mà người dân xã Tiền An phát hiện thấy ở bờ biển chính là thuyền của Chuyên.
Kế hoạch vây bắt Phạm Chuyên được vạch ra. Khuya 11/6/1961, đồng chí Nguyễn Minh, Trưởng Ty Công an Hồng Quảng đã chỉ huy tổ trinh sát đặc nhiệm bí mật bắt Phạm Chuyên ngay tại nhà. Khám nhà, công an thu được 19 bộ lốc mã giấu trong cót thóc. Mở rộng diện đấu tranh, ta thu được trọn bộ điện đài vô tuyến điện gồm một máy thu, một máy phát và một máy phát điện quay tay.
Từng làm công an và lại được CIA đào tạo bài bản nên những ngày đầu bị bắt, Phạm Chuyên kiên quyết không khai và giở nhiều thủ đoạn để đối phó với cán bộ điều tra. Sau khi nhận báo cáo của Công an Hồng Quảng, đồng chí Nguyễn Tài, lúc đó là Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị (đồng chí Nguyễn Tài sau này là Thứ trưởng Bộ Công an, rồi chuyển sang làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan), trực tiếp xuống Hồng Quảng.
Sau những cuộc trò chuyện với Phạm Chuyên, Cục trưởng Nguyễn Tài nhận ra một điều Phạm Chuyên là kẻ tráo trở nhưng lại rất thương mẹ, thương em, vì vậy cùng với việc thuyết phục Phạm Chuyên, Cục trưởng Nguyễn Tài cũng chỉ đạo phải làm tốt chính sách với với gia đình Phạm Chuyên. Vì vậy mà sau vài lần nói chuyện với Cục trưởng Nguyễn Tài, cùng với sự tác động của các cán bộ an ninh, Phạm Chuyên mới khai lại toàn bộ.
2. Trong bản báo cáo ngày 5/7/1961 có đóng dấu "tối mật" của Sở Công an khu Hồng Quảng đã trình bày lại toàn bộ quá trình trốn vào Nam của Phạm Chuyên như sau:
Ngày 25/6/1959, sau khi được Tòa án nhân dân huyện Yên Hưng cho về viết kiểm thảo, Phạm Chuyên quyết định bỏ trốn.
Ban đầu Chuyên lên Hà Nội rồi mua vé xe khách đi vào Vinh. Từ Vinh, Chuyên đi theo đường số 8 lên biên giới rồi vượt biên sang Lào. Sang Lào, sau khi được tiếp nhận, Chuyên được đưa về Savanakhet để thẩm vấn. Sau 9 tháng ở Lào và qua nhiều vòng thẩm vấn, Chuyên được đưa về trung tâm tiếp đón đồng bào vượt tuyến ở Sài Gòn. Tháng 5/1960, sau khi trải qua nhiều vòng thẩm vấn, Chuyên đề đạt nguyện vọng được có một việc làm để sinh sống, khi nào cần sẽ tình nguyện về miền Bắc làm việc, nếu không xin cứ cho nằm lại ở trung tâm.
Công việc mà Chuyên được Sở Nghiên cứu chính trị giao cho làm sau đó là đi nói chuyện ở một số địa phương với nội dung xuyên tạc về chính sách thuế nông nghiệp, hợp tác xã ở miền Bắc.
Sau vài tháng đi nói chuyện, một ngày đầu tháng 9/1960, một người tên là Phan đến gặp Chuyên. Phan giới thiệu là nhân viên của Sở Nghiên cứu chính trị thuộc Phủ Tổng thống (thực chất là cơ quan tình báo, phản gián chiến lược của chính quyền VNCH được thành lập năm 1956 do Trần Kim Tuyến làm giám đốc. Sở này có nhiệm vụ điều tra, thu thập tin tình báo chiến lược về mọi mặt; tổ chức, chỉ huy các hoạt động gián điệp tại Bắc Việt, bảo vệ an ninh nội bộ…).
Huấn luyện biệt kích tại Đà Nẵng. |
Câu chuyện của Phan vẫn chỉ xoay quanh việc Chuyên vượt tuyến, việc Chuyên từng học điện đài thời Pháp thuộc. Cuối cùng, Phan mới lật bài ngửa với Chuyên khi hỏi thẳng có dám mạo hiểm trở lại miền Bắc không. Sau khi Chuyên đồng ý, Phan hẹn lần sau sẽ gặp để bàn tiếp công việc.
Vài ngày sau, Phan lại tới và yêu cầu Chuyên tự viết bản kế hoạch hoạt động khi quay trở lại miền Bắc. Chuyên lập tức viết một bản kế hoạch, trình bày chi tiết từ kế hoạch vượt tuyến trở lại miền Bắc, tới phương pháp gây dựng cơ sở khi ra Bắc, cách thức lãnh đạo đấu tranh, phương tiện liên lạc để cung cấp tin cho trung tâm ở Sài Gòn và cả dự trù kinh phí hoạt động… Cầm bản kế hoạch này, Phan ra về và hẹn sẽ gặp lại sau khi nghiên cứu.
Một buổi chiều giữa tháng 9/1960, Phan quay trở lại gặp Chuyên và đưa Chuyên đến khách sạn Majestic để gặp một người Mỹ. Người Mỹ này lại hỏi Chuyên những câu hỏi mà Phan đã hỏi nhiều lần; gã người Mỹ còn hỏi Chuyên về ấn tượng với chính thể miền Nam rồi sau đó câu chuyện kết thúc. Một tuần sau, Phan lại đưa Chuyên đến gặp gã người Mỹ nhưng địa điểm là ngôi biệt thự trên một con phố. Gã người Mỹ lại đặt những câu hỏi trắc nghiệm tâm lý. Khi kết thúc, gã nói với Chuyên rằng "cán bộ của chính phủ sẽ gặp ông nữa. Riêng tôi, chúc ông thành công".
3. Đó là nội dung Phạm Chuyên khai vào tháng 6/1961. Mấy chục năm sau, trong cuốn sách "Cuộc chiến bí mật - Hồ sơ Lực lượng đặc biệt Quân đội VNCH" của dịch giả, giáo sư Vũ Đình Hiếu (Giáo sư Vũ Đình Hiếu là một cựu biệt kích quân đội VNCH, sang Mỹ năm 1975, đi học trở lại, sau này trở thành giáo sư chuyên ngành Công nghệ thông tin, từng giảng dạy các trường đại học ở bang Texas - (Mỹ), căn cứ vào những tài liệu đã giải mã của Lầu Năm Góc cũng đề cập tới việc CIA và tình báo VNCH tuyển chọn Phạm Chuyên, trong đó có nhắc tới 2 người đã thẩm vấn và đào tạo Chuyên, đó là Trung úy Đỗ Văn Tiên, nhân viên của Phòng 45 và Edward Reagan, nhân viên CIA.
Phòng 45 là mật danh của Phòng Bắc Việt, trực thuộc Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống VNCH, thực chất là một đơn vị tình báo do CIA lập ra vào cuối năm 1958 gồm 12 sĩ quan người Việt cấp bậc từ thiếu úy đến trung úy. Tất cả những người này đều do CIA tuyển chọn và đào tạo về nghiệp vụ tình báo, tác chiến, phương thức phá hoại và chỉ huy đường dây tình báo.
"Phòng 45 lập kế hoạch 5 năm để xâm nhập vào vùng hậu phương mà đối phương kiểm soát rất chặt chẽ. Lần này Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống giao trách nhiệm cho Trung úy Đỗ Văn Tiên (mật danh Francois) phái một điệp viên đơn tuyến xâm nhập miền Bắc. Francois tìm được một người thích hợp là Phạm Chuyên, nguyên là một đảng viên biến chất, quê ở tỉnh Quảng Ninh. Chuyên bị vợ bỏ nên anh ta di cư vào Nam.
Thoạt đầu Phạm Chuyên từ chối, mặc dù Trung tá Lê Quang Tung đã cho đàn em theo dõi, dụ dỗ suốt nửa năm trời. Trung úy Tiên (Francois) buộc phải cộng tác với một nhân viên CIA là Edward Reagan tìm cách thuyết phục Chuyên. Sau hơn 6 tháng CIA trổ tài, Phạm Chuyên nhận lời. Anh ta được đưa ra Nha Trang để làm kỳ trắc nghiệm tâm lý. Chuyên đạt điểm xuất sắc trong kỳ trắc nghiệm.
Sau đó, Chuyên còn phải trải qua hai kỳ khảo nghiệm nữa, một ở Sài Gòn và một ở Nha Trang. Tiếp theo CIA huấn luyện cho Chuyên 6 tháng về kỹ năng truyền tin. Trong lúc Chuyên được huấn luyện các kỹ năng thì Trung úy Tiên và Reagan bận rộn phác thảo kế hoạch đưa điệp viên xâm nhập miền Bắc…".
Nhưng, đây là chuyện của mấy chục năm sau, khi các hồ sơ đã được giải mật. Còn vào thời điểm năm 1961 thì CIA vẫn chắc mẩm rằng đã thành công khi đưa được Phạm Chuyên trở lại miền Bắc an toàn…
KÌ 2: Điệp viên Ares và hành trình trở lại miền Bắc Việt Nam
1. Sáng sớm ngày 5/4/1961, tại một bến tàu ở Đà Nẵng, một chiếc tàu hình dáng như tàu đánh cá trọng tải khoảng 40 tấn chở theo một chiếc xuồng cao su và một chiếc thuyền nan nhỏ lặng lẽ rời bến. Ra khỏi cửa biển Đà Nẵng, chiếc tàu nhằm thẳng hướng Tây - Bắc.
Trên tàu, ngoài thuyền trưởng và mấy thủy thủ, có một người khách nói giọng Bắc. Các thủy thủ chỉ được thuyền trưởng thông báo đó là một cán bộ của Trung ương đi công tác đặc biệt và là người chỉ huy chung trên suốt hành trình. "Cán bộ Trung ương" ấy không ai khác chính là Phạm Chuyên.
Chạy mải miết suốt 3 ngày, tới 4 giờ chiều 7/4, khi đã ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, thấy phía trước mặt lờ mờ nhiều dãy núi đá, thuyền trưởng cho tàu dừng lại, nấu cơm ăn và nắm cho Chuyên một nắm to.
Khi bữa cơm chiều kết thúc đã là 6 giờ 30 phút. Cuối xuân nên trời tối rất nhanh, thuyền trưởng cho tàu nhổ neo nhằm thẳng hướng có dãy núi đá chạy vào bờ. Sau hơn 3 giờ, tàu đã đi vào khu vực Hồng Gai. Khi chạy qua luồng Cửa Dứa, đến gần một quả núi cao, Quân, gã lái tàu vốn là một ngư dân trước khi vượt tuyến vào Nam đã có thâm niên đi biển ở khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng 20 năm nên rất thành thạo luồng lạch, khẳng định là núi cột cờ, Quân cho tàu dừng lại, thuyền trưởng lệnh cho nhóm thủy thủ hạ chiếc thuyền nan và chiếc xuồng cao su xuống nước.
Sau hơn nửa tiếng chuẩn bị, đưa máy truyền tin và hành lý của Chuyên lên thuyền nan, buộc chiếc thuyền nan vào phía sau xuồng cao su, Chuyên ngồi lên chiếc thuyền nan, Quân lái chiếc xuồng cao su chạy về phía hang Đầu Gỗ rồi rẽ sang ghềnh Si.
2 giờ sáng ngày 8/4, đến ghềnh Si, Quân lái xuồng cao su quay lại tàu, Chuyên bơi thuyền nan theo kênh tiến vào núi đất. Vì nước xuống rất mạnh, lại chèo ngược dòng nên đến gần sáng, Chuyên mới vào được bờ. Vội vã vác hai chiếc máy truyền tin cùng tư trang lên giấu ở rừng sú, Chuyên kéo chiếc thuyền vào một lạch nhỏ giữa rừng sú và trốn trong rừng cả ngày. Vậy là sau 22 tháng bỏ trốn vào Nam, Phạm Chuyên đã trở lại quê hương nhưng với một vai trò khác, điệp viên của CIA với mật danh Ares.
Báo cáo của Sở Công an Hồng Quảng về việc khai thác Phạm Chuyên sau gần hai tháng bắt giữ. |
2. Để chuẩn bị cho chuyến trở về này của Chuyên, trước đó gần một năm, Phan (tức trung úy Đỗ Văn Tiên (biệt danh Francois), nhân viên Phòng 45) và nhân viên CIA Edward Reagan đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Đầu tháng 10-1960, sau khi vượt qua các vòng thẩm vấn, Phan đưa Chuyên đến một căn phòng trên tầng 5 ngôi nhà số 13 đường Kỳ Đồng. Tại đây, Phan thông báo với Chuyên rằng Tổng bộ đồng ý tuyển dụng, từ hôm nay Chuyên sẽ phải trải qua một khóa đào tạo. Thời gian học, Chuyên được hưởng lương 3.000 đồng tiền miền Nam/ tháng. Sau thời gian học, lương sẽ tăng lên 5.000 đồng/ tháng.
Ngay ngày hôm sau, Phan bắt đầu công việc huấn luyện Chuyên bằng cách đưa cho một tập tài liệu về phương pháp công tác yêu cầu đọc kỹ, sau đó có gì thắc mắc thì hỏi lại và cùng thảo luận. Nội dung tài liệu này là hướng dẫn các phương pháp hoạt động gián điệp gồm: công tác bí mật; hướng phát triển cơ sở; tuyên truyền - điều tra - phân tích, chia loại; lãnh đạo đấu tranh; liên lạc báo cáo… Thời gian đọc và thảo luận tài liệu này trong 1 tuần.
Sau một tuần học về phương pháp công tác, Phan đưa một người nữa, giới thiệu tên là Tý, nhân viên điện đài đến hướng dẫn Chuyên về cách truyền tin bằng vô tuyến điện. Giữa tháng 1/1961, khi đã thành thạo việc phát tin, Chuyên được chuyển đến một ngôi nhà ở đường Nguyễn Biểu để thực tập. Thời kỳ đầu tập liên lạc với Đài P8M ở ngay Sài Gòn, sau đó chuyển sang liên lạc với một đài ở xa hơn. Sau gần một tháng thực tập, khi đã thành thục, Chuyên phải trải qua một cuộc kiểm tra. Kết thúc khóa học này, tên đài của Chuyên được trung tâm đặt là ARES; bí danh của Chuyên là "Hạ Long". Khi liên lạc, trung tâm sẽ xưng hô là "Tổng bộ".
Phan còn hướng dẫn Chuyên trong trường hợp không liên lạc được qua điện đài thì sẽ dùng thư, bưu thiếp để báo cáo tình hình. Tất cả thư, bưu thiếp đều dùng danh nghĩa hai em trai của Chuyên là Phạm Ốc và Phạm Đắc gửi cho Chuyên qua một người khác làm trạm trung gian. Bưu thiếp sẽ gửi tới 2 địa chỉ: Phạm Kỷ, số 186 ấp Tây 3, xã Phú Nhuận, quận Tân Bình - Gia Định và Phạm Thị My, học sinh đệ nhất Trường Lê Quý Đôn, số 216 Phan Đình Phùng - Sài Gòn. Thư chỉ gửi cho bà Kraemer Jean ở Pháp.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giữa tháng 2/1961, Phan quay lại gặp Chuyên để tiếp tục huấn luyện về chính trị. Kết thúc khóa học, Phan đưa Chuyên ra Nha Trang nghỉ mát nửa tháng. Trong nửa tháng ở Nha Trang, Phan tiếp tục đưa bản kế hoạch công tác khi trở ra Bắc của Chuyên viết trước đó để thảo luận, đặc biệt là cách nói dối thế nào cho hợp lý nếu sau khi ra Bắc mà bị bắt và Công an miền Bắc không thu được tài liệu. Cả hai thống nhất trong hoàn cảnh này Chuyên sẽ khai do vào Nam không được thu dung vì bị nghi vấn nên quyết định vượt tuyến quay về đầu thú, chưa kịp ra trình diện thì đã bị bắt.
Nhưng khi bàn đến phương án nếu bị bắt mà Công an thu được cả máy móc, tài liệu thì cả hai không tìm được tiếng nói chung, Phan nói rằng trong hoàn cảnh ấy Chuyên "tùy cơ ứng biến" nhưng tuyệt đối không được nhận là "cán bộ chính trị miền Nam cử ra Bắc" vì như vậy sẽ là vi phạm Hiệp định Geneve. Sau đó, Phan đưa Chuyên ra Đà Nẵng nhận tàu.
Nhiệm vụ mà Chuyên được giao trong lần quay trở lại miền Bắc là: tổ chức cơ sở quần chúng; tổ chức một khu căn cứ chuẩn bị cho hoạt động vũ trang; tổ chức cơ sở vùng biên để làm cơ sở đón tiếp tế về người, vũ khí, hàng hóa lương thực từ miền Nam ra; cập nhật và báo cáo tin tức về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế ở vùng hoạt động.
Phan bàn rất kỹ với Chuyên về đối tượng tiếp cận để gây dựng lực lượng, theo đó, ngoài dân chài, thì phải đặc biệt chú ý tới cán bộ xã, đoàn viên thanh niên. Khi đã có lực lượng, giai đoạn đầu tùy theo tình hình phát triển của cơ sở và dựa vào chính sách, hướng dẫn quần chúng tham gia đấu tranh hợp pháp với những bất hợp lý trong việc thực hiện chính sách dân công, hợp tác xã… Việc chuyển hình thức đấu tranh tùy theo sự phát triển của cơ sở và theo sự chỉ đạo từ trung tâm, dứt khoát không được tự động làm khi chưa có lệnh.
Theo kế hoạch Phan đưa ra, sau khoảng 1 đến 2 năm, khi Chuyên đã gây dựng được cơ sở vững và guồng máy hoạt động tốt, trung tâm sẽ cử người ra hoặc Chuyên chỉ định người mà mình đã tuyển để thay thế, Chuyên sẽ trở lại miền Nam. Trong trường hợp bị lộ, Chuyên báo cáo để trung tâm tổ chức đón. Trường hợp khẩn cấp, có thể bị bắt thì Chuyên rút vào rừng trốn, chờ trung tâm tổ chức cho tàu ra đón bằng đường biển…
3. Sở dĩ Phạm Chuyên được đào tạo kỹ lưỡng như vậy vì Ares là điệp viên đầu tiên do CIA đào tạo để đánh ra miền Bắc. CIA kỳ vọng nếu Ares xâm nhập và hoạt động được ở miền Bắc sẽ là cơ sở để tiếp tục đưa điệp viên và các toán biệt kích ra Bắc.
Sau này, trong cuốn sách "Cuộc chiến bí mật - Hồ sơ Lực lượng đặc biệt Quân đội VNCH" của dịch giả Vũ Đình Hiếu cũng viết rằng để chuẩn bị cho việc đưa Phạm Chuyên xâm nhập miền Bắc, trong khi Chuyên được huấn luyện các kỹ năng thì trung úy Tiên và Edward Reagan bận rộn phác thảo kế hoạch đưa điệp viên xâm nhập miền Bắc.
"CIA cho rằng việc phái Chuyên xâm nhập miền Bắc bằng đường biển là rất hợp lý. Với niềm hứng khởi ấy, hai chuyên viên tình báo bay ra Đà Nẵng tìm địa điểm xuất phát. Họ thuê một biệt thự kín đáo, có tường bao quanh làm mật cứ. Mọi động thái cũng như đường đi, nước bước của họ từ đó về sau có mật hiệu là Pacific.
Sau điệp viên Ares, nhiều toán biệt kích bị bắt ngay sau khi đặt chân xuống miền Bắc. |
Trước khi Chuyên được gửi đi, Phòng 45 quyết định triển khai kế hoạch ngắn hạn: thả điệp viên đến khu phi quân sự, dọc theo Vĩ tuyến 17 để thăm dò. Nhân vật được tuyển chọn cho kế hoạch này là một người theo đạo Công giáo, quê ở Hà Tĩnh, tên là Vũ Công Hồng. Anh ta được huấn luyện cấp tốc và đưa ra sống ở Huế trong một căn nhà được bảo vệ rất nghiêm mật. Vũ Công Hồng (mang mật danh là Hirondelle) đã sẵn sàng lên đường. Thiếu tá Trần Khắc Kính nhân vật thứ hai của Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống chỉ đạo mọi hoạt động xuất phát từ Huế, với mật danh là Atlantic (…). Vài tuần sau, Hồng trở về căn cứ an toàn. Mặc dù Hồng chỉ cung cấp một ít thông tin về đường đi, nước bước của hệ thống an ninh Bắc Việt, nhưng cũng đủ làm cho những nhân viên của Phòng 45 hứng khởi. Sau chuyến đi của Hồng hai tháng, Chuyên đã sẵn sàng lên đường, với hành trang là kiến thức của một năm được huấn luyện.
Đầu tháng 4/1961, Chuyên lên tàu Nautilus 1, rời Đà Nẵng, theo hành trình 2 ngày về phía Bắc. Không may cho Chuyên do gặp phải thời tiết xấu, chiếc Nautilus 1 đành quay trở về nơi xuất phát. Vài hôm sau thời tiết đẹp trở lại, Chuyên tiếp tục lên đường. Cả Tiên và Reagan đều ra bến tàu tiễn đưa Chuyên. Sau này Tiên nhớ lại là khi chia tay với Chuyên, anh ta đã chúc Chuyên may mắn nhưng Chuyên không nói nửa lời".
4. Sau một ngày trốn trong trong rừng sú, đêm 8/4, sau khi chôn giấu máy truyền tin, Chuyên lẩn về nằm ở trong vườn nhà mình nhưng không dám vào nhà vì sợ em dâu, là vợ Phạm Ốc, và vợ con mình biết sẽ bị lộ. Sáng hôm sau, khi thấy Ốc đi làm, Chuyên mới gọi Ốc. Tối hôm đó, Chuyên gặp mẹ và hai em trai là Ốc và Đắc. Sau mấy ngày trốn trong nhà, khi nghe thông tin có người đến nhà ông Ngột lấy hai mái chèo ở chiếc thuyền lạ ngoài bãi biển, Chuyên mang máy truyền tin cùng tư trang lên rừng trốn.
Dù phải sống trong cảnh trốn chui trốn lủi, nhưng Chuyên cũng 3 lần lấy máy ra liên lạc về trung tâm. Nhưng vì chậm so với giờ lên máy đã quy ước với trung tâm nên đều không được. Chuyên viết thư và bưu thiếp sau đó để Ốc chép lại có nội dung mật báo gửi vào 3 địa chỉ đã quy ước từ trước với Phan.
Cho tới ngày 27/4, lần thứ 4 lên máy, Chuyên mới liên lạc được với trung tâm, báo cáo đã về tới nơi nhưng căn cứ bị động nên còn ở La Khê. Hai ngày sau, Chuyên lại liên lạc với trung tâm. Sau đó, cách vài ngày, Chuyên lại lên máy liên lạc với trung tâm. Cùng với báo cáo tình hình vào Nam, Chuyên bắt tay vào tuyển người, ngoài 2 em ruột, một em họ, Chuyên chú ý tới những người bạn và một số cán bộ cùng công tác trước kia có tư tưởng bất mãn; Chuyên dự định tổ chức cơ sở vùng ghềnh Si, lập ban đón tiếp, chuẩn bị nhận tiếp tế chuyến đầu tiên vào cuối tháng 5.
Với các ngư dân, Chuyên có ý định dùng gạo để mua chuộc và tổ chức họ. Khi trung tâm chuyển tiền ra sẽ tổ chức thuyền đánh cá để có thể nhận tiếp tế từ ngoài xa ở Hạ Long hay Cát Bà, để tàu tiếp tế không phải vào quá sâu, sẽ nguy hiểm; lựa chọn người để cuối tháng 10-1961 sẽ gửi vào Nam học vô tuyến điện, sau đó ra làm nhiệm vụ liên lạc điện đài để Chuyên tập trung vào việc tổ chức, gây dựng lực lượng…
Tất cả những dự định ấy mới chỉ được vạch ra thì sau 7 phiên liên lạc bằng điện đài, tối ngày 6/6/1961 Đắc bị bắt khi đang trên đường mang điện đài và lương thực lên rừng tiếp tế cho Chuyên.
Biết em bị bắt trước sau gì cũng sẽ khai ra việc mình vượt tuyến xâm nhập về Bắc, Chuyên quyết định đánh lạc hướng bằng cách một mặt viết thư xin đầu thú rồi cho em ra bưu điện gửi tới Công an huyện Yên Hưng nhưng trong lúc ấy cũng lên kế hoạch liên lạc với Trung tâm cho rút bằng đường biển. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa kịp thực hiện thì chỉ vài ngày sau khi em bị bắt, Chuyên cũng bị bắt khi đang trốn trong bồ thóc trong buồng cùng với súng ngắn, lựu đạn, tiền và tài liệu; sau đó Chuyên phải khai nơi giấu bộ máy điện đài thứ hai cùng tất cả tài liệu trong hang trên núi Đá Chồng.
Sau gần 2 tháng đấu tranh, Phạm Chuyên đã bị khuất phục và khai hết kế hoạch mà CIA giao cho khi xâm nhập ra Bắc. Sau khi đánh giá lại toàn bộ quá trình bắt, đấu tranh với Phạm Chuyên, Cục Bảo vệ Chính trị và Sở Công an Hồng Quảng khẳng định tất cả vẫn đảm bảo bí mật, một kế hoạch táo bạo được gửi lên Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, đó là cho lập Chuyên án BK63 đấu tranh với CIA với mục đích: duy trì chuyên án hoạt động lâu dài nhằm khống chế được hoạt động của địch đối với địa bàn khu vực Đông Bắc; phát hiện toàn bộ âm mưu và thủ đoạn hoạt động gián điệp biệt kích đối với miền Bắc, tạo điều kiện để chủ động tấn công lại địch. Tổ chức câu nhử, đón bắt những nhóm gián điệp khác nhằm khai thác triệt để các trung tâm gián điệp biệt kích của địch; tính toán khả năng phái khiển người vào tổ chức của địch khi cần thiết.
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo trong quá trình đấu tranh phải đảm bảo nguyên tắc "tích cực bảo vệ mình, chủ động tiêu diệt địch" để vận dụng vào việc bố trí các tin tức, tình huống giả tạo với phương châm "không để thiệt hại cho ta, chỉ được lợi cho ta".
Những cán bộ tham gia chuyên án cũng không thể nghĩ từ đây, một cuộc chiến âm thầm đã diễn ra tới 10 năm sau mới kết thúc…
KÌ 3: 10 năm “dắt mũi” CIA
1. Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng Thiếu tướng Lê Mai, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, một trong những cán bộ đã trực tiếp chỉ đạo Chuyên án BK63 từ những ngày đầu, vẫn còn minh mẫn. Nhắc lại chuyện xưa, Thiếu tướng Lê Mai bảo rằng đó là những ngày không thể nào quên.
Sau gần hai tháng bị bắt, trực tiếp thấy công an đối xử với mình và người thân trong gia đình, đặc biệt là với bà mẹ già, rất chu đáo, Phạm Chuyên đồng ý lập công chuộc tội, tham gia chuyên án.
Sáng 8/8/1961, sau gần 2 tháng mất liên lạc, “Tổng bộ” tại Sài Gòn nhận được điện từ đài Ares. Ares báo cáo tình hình tạm ổn, có thể liên lạc lại được, nhưng để đảm bảo an toàn thì khoảng cách giữa hai phiên phải thưa hơn, không như lịch truyền tin được.
Các sĩ quan tình báo tại Trung tâm dù đều là những người được CIA đào tạo bài bản, nhất là các phương pháp thẩm tra trên điện đài, sau khi kiểm tra đã chúc mừng Ares thoát hiểm và nhắc nhở chú ý đảm bảo an ninh.
Trong khi đó, cách trung tâm chỉ huy ở Sài Gòn hơn 2.000km, ở một bãi hoang thuộc xã Trạp Khê (huyện Yên Hưng), Phạm Chuyên ngồi gõ manip truyền tin, bên cạnh là các cán bộ Cục Bảo vệ Chính trị và Công an Hồng Quảng. Kết thúc phiên liên lạc, tất cả mọi người mới thở phào vì mọi việc diễn ra đúng kế hoạch.
Để chuẩn bị cho phiên liên lạc này, nhiều ngày trước đó, các cán bộ tham gia Chuyên án BK63 đã phải bàn bạc, đưa ra nhiều tình huống để có phương án xử lý.
Theo lời khai của Phạm Chuyên, trước khi kết thúc khóa huấn luyện về điện đài, tên Tý, người hướng dẫn Chuyên về điện đài đã mang máy ghi âm đến để ghi tín hiệu với mục đích cho central gián điệp nghe quen, đề phòng trường hợp khi Chuyên ra Bắc bị bắt, Công an Bắc Việt lấy được thiết bị và các quy ước liên lạc sẽ đánh tráo manip.
Không những thế, Tý còn huấn luyện Chuyên biết cách hội thoại trong lề lối thông báo giúp cho nhân viên báo vụ ở Trung tâm khi nhận điện nghe sẽ biết ngay điệp viên đang bị khống chế, bằng cách đài chính bắt nhắc lại một nhóm nào đó trong lúc đài đối đang chuyển điện, nếu có an ninh: nhắc lại tự do không theo quy luật nào.
Ngoài các biện pháp kỹ thuật là thêm những ký tự đã quy ước sẵn khi gõ manip để báo cho Tổng đài biết đang bị khống chế, trong quá trình hỏi đáp, tổng đài sẽ có những câu hỏi để thẩm tra xem đang trao đổi với điệp viên hay một đối tượng giả, hoặc điệp viên đang bị khống chế.
Tổng đài hỏi “Địa điểm tiếp tế bằng phi cơ ở đâu?”, nếu đang bị khống chế, điệp viên trả lời “Cát Bà” hoặc một điểm vu vơ nào đó; nếu không bị khống chế, trả lời “Chưa tìm được”…
Tuy nhiên, việc đứt liên lạc suốt gần 2 tháng vẫn khiến “Tổng bộ” nghi ngờ, vì vậy việc thẩm tra vẫn được thực hiện ở phiên liên lạc sau khi trong bức điện thứ 2 đã hỏi tình trạng máy truyền tin, nơi cất giấu.
Các trinh sát quyết định sáng tác bản tin cho Ares báo cáo về hai nơi chôn cất máy, có tọa độ, mốc đánh dấu bằng các cây rừng có gai góc, kèm theo việc này là một số tin tức hoạt động quân sự, kinh tế được lấy… trên báo.
Một bản tin do trinh sát sáng tác cho Ares. |
Cho tới tháng 10/1961, sau vài lần thẩm tra nữa, “Tổng bộ” mới tin Ares thực sự vẫn đang hoạt động hiệu quả khi lần liên lạc nào, Ares cũng cung cấp rất nhiều tin về các hoạt động kinh tế rất chuẩn xác vì được trinh sát “copy” từ các báo. Với lý do cần có kinh phí và phương tiện để hoạt động, Ares đề nghị được tiếp tế sớm.
“Tổng bộ” yêu cầu Ares tìm địa điểm đón hàng rồi báo cáo cùng quy ước an ninh và ám hiệu nhận hàng. Sau khi tính toán, Ban chuyên án quyết định chọn nơi nhận hàng là khu Đầu Đá, một điểm trong Vịnh Hạ Long.
Ngày 16/1/1962, tàu Nautilus 1, chính là tàu đưa Phạm Chuyên ra Bắc, cùng với 10 thủy thủ từ Đà Nẵng mang theo 30 thùng đồ gồm máy truyền tin, vàng, tiền miền Bắc (tiền thật) lương thực, thực phẩm, vũ khí ra tiếp tế cho Chuyên. Sau khi toàn bộ hàng hóa đã tập kết lên bãi, toàn bộ thủy thủ cùng hàng hóa bị bắt gọn.
Trong khi đó, Ares thông báo không nhận được hàng, vì có thể đúng hôm chiếc tàu chở hàng ra tiếp tế đã bị giông lốc đánh chìm và đề nghị tiếp tục chuyển đồ tiếp tế ra. Cùng với đề nghị tiếp tế, Ares vẫn đều đặn cung cấp tin tức rất “giá trị” do các trinh sát tổng hợp hoặc sáng tác ra.
Hơn một tháng sau chuyến hàng đầu tiên, Ares bất ngờ nhận được thông báo Tổng bộ đã chuyển hàng ra và chỉ tọa độ cất giấu. Hàng hóa là 23 kiện lương thực, thuốc và 7 thùng vũ khí. Cho tới tháng 8/1963, Tổng bộ đã 3 lần tiếp tế bằng đường biển cho Ares. Tuy nhiên, lần này khi tàu bốc hàng trở ra thì bất ngờ bị công an vũ trang phát hiện truy đuổi, bắt được.
Với lý do việc tiếp tế bằng đường biển đã bị lộ, Ares đề nghị Tổng bộ tiếp tế bằng đường không. Đề xuất này lập tức được chấp nhận vì “Tổng bộ” cũng cho rằng tiếp tế bằng đường không sẽ được nhiều và nhanh hơn, lại ít nguy hiểm.
Sau khi đi tìm địa điểm, Ban chuyên án quyết định chọn địa điểm nhận hàng là Khe Ru (huyện Hoành Bồ), đây là một bãi cỏ trên đỉnh núi, xa dân, hướng bay từ đông bắc sang rồi thẳng ra biển, máy bay thả dù rất an toàn. Tín hiệu quy ước địa điểm nhận hàng là 3 cột khói hình tam giác ở giữa bãi.
Nhận được thông báo của Ares về địa điểm, “Tổng bộ” đồng ý ngay và thông báo chuẩn bị nhận hàng. Trước ngày hẹn, một tổ công an vũ trang cùng tổ công tác gồm 3 trinh sát và Phạm Chuyên dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Mai, lúc đó là Phó giám đốc Công an tỉnh, lên bãi thả chuẩn bị.
Đúng ngày hẹn, từ sáng, giữa bãi thả, 3 đống cỏ khô được chất lên, trên cùng phủ lá tươi để tạo khói. Đợi suốt một ngày mà không thấy máy bay đâu khiến ai cũng thấy bồn chồn. Cho tới gần 17h mới nghe thấy tiếng máy bay, lập tức 3 đống cỏ khô được châm lửa. Khi 3 cột khói bốc lên cũng là lúc chiếc máy bay bay qua, thả xuống hai cái dù hàng.
Sau lần tiếp tế này, với lý do mở rộng địa bàn hoạt động, Ares tiếp tục đề nghị tiếp tế ngoài lương thực, thuốc men, tiền mặt cần có cả vũ khí, thuốc nổ, máy ảnh, ống nhòm… tất cả những đề nghị này đều được đáp ứng.
Có chuyến, “Tổng bộ” thả xuống 30 thùng hàng, ngoài lương thực, thực phẩm còn trang bị cho Ares cả súng giảm thanh, máy ảnh, máy ghi âm và đặc biệt cả một bộ máy truyền tin đời mới nhất chạy bằng ắc quy khô chứ không cần quay ragono.
Cho tới khi kết thúc chuyên án, “Tổng bộ” đã tiếp tế cho Ares tổng cộng 6 chuyến hàng, 3 chuyến đường biển, 3 chuyến đường không, ngoài lương thực, thực phẩm, vũ khí còn có nhiều phương tiện, máy móc phục vụ hoạt động gián điệp, tiền, vàng, có chuyến thả tới 150 ngàn đồng tiền miền Bắc, một số tiền có giá trị rất lớn.
Ares trong một phiên liên lạc với “Tổng bộ”. |
Nhưng quan trọng hơn, tin tưởng Ares mà “Tổng bộ” đã cung cấp 5 đầu mối gián điệp cài lại ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Cũng từ Ares, hai toán biệt kích khi được tung ra Bắc để “tăng cường lực lượng” đã bị bắt ngay khi chân vừa chạm đất.
2. Giữa năm 1964, “Tổng bộ” thông báo Ares chuẩn bị đón thêm người. Đó là toán biệt kích mang tên Eagle.
Ngày 28/6/1964, 6 biệt kích trong toán Eagle nhảy dù xuống Bắc Giang với nhiệm vụ phá hoại hai tuyến quốc lộ số 1, số 4 và phá hoại tuyến xe lửa Mục Nam Quan; căn cứ không quân Mai Phả. Tuy nhiên, khi vừa tiếp đất cả bọn đã phải tra tay vào còng số 8. Điều đáng nói là tất cả tin tức và hoạt động vẫn được toán Eagle báo cáo về đầy đủ khiến “Tổng bộ” rất hoan hỉ.
Hơn một năm sau, ngày 21/9/1967, toán Red Dragon (Rồng đỏ) gồm 7 biệt kích được thả xuống Hà Giang với nhiệm vụ phá hoại các tuyến quốc lộ và cơ sở kinh tế. Nhưng cũng như toán Eagle, vừa nhảy dù xuống, 7 “Rồng đỏ” đã bị bắt khi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra trong khi “Tổng bộ” vẫn nhận được các bản báo cáo.
Sau này, trong cuốn sách của dịch giả Vũ Đình Hiếu viết rằng: “Theo các dữ liệu trong các bản báo cáo về tất cả những gì liên quan đến toán Red Dragon, cho thấy có những bất đồng khá sâu sắc giữa hai trung tâm chỉ huy lực lượng biệt kích Mỹ và Việt Nam.
Người Mỹ tin là toán biệt kích đã nằm trong tay đối phương và bị khống chế, buộc phải gửi đi những bản báo cáo sai sự thật về cho SOG. Các sĩ quan quân đội Sài Gòn thì ngược lại, cho rằng toán biệt kích Red Dragon vẫn còn hoạt động, vì toán vẫn tiếp tục liên lạc từ năm 1968, cho đến 1969 mới chấm dứt”.
3. Thiếu tướng Lê Mai kể rằng để đảm bảo bí mật, suốt 10 năm thực hiện chuyên án, tổ công tác gồm 3 trinh sát và Phạm Chuyên toàn sống trong hang hoặc lán trại ở những khu rừng núi biệt lập. Ban đầu, tổ đóng ở Bãi Cháy. Nhưng khi máy bay Mỹ liên tục ném bom miền Bắc, nhất là Hải Phòng, Quảng Ninh thì lại phải thay đổi.
Ngày ấy, cơ quan cũng ít ôtô, trong khi mỗi lần liên lạc bằng điện đài lại phải cần ôtô để chở máy. Vậy là tổ lại chuyển về Hà Lầm để đỡ phải đi lại. Nhưng về Hà Lầm chưa được bao lâu thì khu vực này bị ném bom, vậy là lại chuyển vào sống ở một hang núi ở Quang Hanh. Ở Quang Hanh, mỗi lần liên lạc lại phải dùng xe ôtô chạy lên Uông Bí để thay đổi tọa độ liên lạc.
Vừa lo đảm bảo an toàn, nhưng cái khó nữa là phải sáng tác tin tức báo cáo làm sao địch không phát hiện ra đang bị “ăn quả lừa”. Dù không theo định kỳ cụ thể nhưng thông thường cứ 10 – 20 ngày phải có một bản tin để báo cáo về “Tổng bộ”.
Suốt 10 năm, các trinh sát đã sáng tác tới gần 300 bản báo cáo, trong đó có cả những tình huống giật gân, như bị truy đuổi, bị bắt hụt, điều kiện hoạt động cực kỳ khó khăn…
Thiếu tướng Lê Mai kể rằng quy trình sản xuất báo cáo là các trinh sát soạn ra trình cho ông duyệt, sau đó ông lại trình về Bộ Công an để Cục trưởng Nguyễn Tài duyệt lần cuối rồi chuyển lại cho Ares phát vào Nam.
Nội dung tin về kinh tế thì tập hợp từ các báo và thực tế đời sống mà ai cũng biết, nhưng tin tức về quốc phòng an ninh thì phải tính toán.
Có lần “Tổng bộ” yêu cầu xác định tọa độ các cây cầu trên Quốc lộ 18 cần đánh sập, sau khi thị sát, Ban chuyên án quyết định cung cấp tọa độ những cây cầu đã hỏng để lập báo cáo. Sau khi địch ném bom, Ares lại có báo cáo kết quả rất chính xác rằng cầu đã hư hỏng nặng. Vì vậy mà uy tín của Ares ngày càng tăng. Về các công trình quốc phòng, rất nhiều báo cáo về trận địa pháo được trinh sát “sáng tác” như thật cho Ares báo cáo.
Tôi đã đọc trong hồ sơ chuyên án những bản tin viết tay do đồng chí Nguyễn Nhàn, trinh sát phòng Bảo vệ Chính trị Công an Hồng Quảng sáng tác vào năm 1967. Như bản tin ngày 14/7/1967, tức là chuyên án đã thực hiện được 7 năm, Ares vẫn báo cáo: “Vùng Quảng Khê - La Khê, tọa độ 930 - 160, có các cơ sở: Khấu, Đắc, Ốc, Hiển.
Các mục tiêu vùng này: có trận địa tên lửa hoạt động thường xuyên ở quanh vùng La Khê ở các tọa độ 89-17, 92-16, 92-18. Ở La Khê còn có một đơn vị huấn luyện Hải quân (khoảng 1B) và 1 lớp đặc công, nghe nói lớp đặc công thỉnh thoảng vào vùng Đà Nẵng đánh xong lại ra. Có các ụ pháo bảo vệ bờ biển đặt trên các núi ở tọa độ 94-20, 94-17. Kho xăng ngầm ở 90-16…”.
4. Mấy chục năm sau, trong cuốn sách “Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật”, cựu sĩ quan tình báo Mỹ Sedgwick Tourison viết rằng:
"Điệp viên ARES. Tôi biết anh ta quá đi chứ, tôi đã nghiên cứu hồ sơ của anh ta, anh ta có nhiều tên nhưng tên thật là Phạm Chuyên. Chúng tôi tuyển mộ để đánh anh ta quay trở lại Bắc Việt Nam năm 1961. Anh ta vẫn giữ liên lạc với chúng tôi ít ra là cho đến năm 1969 và tôi không biết rõ là anh ta hoạt động cho chúng tôi hay hoạt động cho Bắc Việt (…).
Trong cuộc chiến tranh này, cán bộ phản gián của Bộ Công an Việt Nam đã đối đầu với Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Bấy giờ các toán gián điệp người Việt Nam do CIA và Lầu Năm Góc tuyển mộ và cho nhảy dù xuống miền Bắc Việt Nam để xây dựng các cơ sở kháng chiến, đằng sau các phòng tuyến của địch.
Một số nhân viên điện đài đã bị bắt chỉ vài giờ sau khi họ đặt chân xuống mặt đất và đã bị lực lượng phản gián của Hà Nội khuất phục, mở điện đài thông báo cho Sài Gòn và Washington những gì mà Hà Nội muốn cho họ biết”.
Nhưng đó là chuyện sau này, còn vào thời điểm ấy, những bản tin chi tiết từng đơn vị, từng tọa độ của Ares đã khiến cho “Tổng bộ” tin tưởng tuyệt đối. Vì vậy mà trong 10 năm, ghi nhận thành tích công tác của Ares, “Tổng bộ” đã thưởng cho điệp viên này tới 12 huân chương, trong đó có Huân chương “Anh dũng Bội tinh”.
Nguồn: ANTG/ Báo CAND
No comments:
Post a Comment