Sunday, October 24, 2021

CHỒNG EM , BẮC KỲ 54

Người Sài Gòn chia người Bắc vào Nam thành hai loại, loại vào Nam năm 1954 và loại vào Nam sau sự kiện 30/4/1975. Sau khi phân chia như vậy, họ coi người Bắc 54 là một phần của họ, còn người Bắc 75 là dân xứ lạ.

Thời 1954 người Bắc di cư vào Nam thường sống từng vùng do chính phủ chỉ định, hướng dẫn rồi sau đó mới từ từ lan ra khắp nơi. Người miền Nam học được người Hà Nội nhiều điều: Cần kiệm, lễ giáo, nếp sống thanh lịch quý phái và tri thức vì đa số Bắc 54 là trí thức, thi sĩ, văn sĩ, doanh nhân và theo công giáo.
Đặc biệt, người miền Bắc 54 đã đem cho miền Nam một di sản khổng lồ, đó là văn hoá và nghệ thuật mà trước đó miền Nam hầu như không có. Đổi lại, người miền Bắc vào Nam cũng học được của người Sài Gòn nói riêng và người miền Nam nói chung nhiều thứ như: Sự giản dị, chân thật, tốt bụng, phóng khoáng, không câu nệ bắt bẻ, hay khó khăn. Và cả hai miền học được của người miền Trung tính chịu thương chịu khó, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, cái đùm bọc tình đồng hương. Cả ba miền thời đó hoà nhập với nhau lúc nào không hay…
Cuối cùng người Nam coi người Bắc 54 đã trở thành người miền Nam. Ngược lại, dân Bắc 75 mặc dù đã sống trong Nam đến 45 năm (1975-2020), thậm chí đến 100 năm sẽ vẫn mãi mãi là.... người Bắc chứ không thể nào thành người của miền Nam được vì họ là con người mới xã hội chủ nghĩa, sản phẩm được Tuyên giáo chế tạo ra..., khác hẳn với tính cách của người Nam.
Hồi nhỏ, mỗi lần nghe hai chữ “Bắc Kỳ” tôi tự nhiên thấy mất cảm tình. Những hình ảnh của các bà, các cô khăn quấn mỏ quạ, răng đen ánh hạt huyền, còn các ông thì hút thuốc lào kêu két két, đi đâu cũng đủng đẳng đeo theo cái điếu cày, hình ảnh của những màn đánh ghen, chửi thề nghe như hát cải lương mà không hiểu gì, của cái tính keo kiệt dân xứ Bắc là những gì vẫn thường ám ảnh trong đầu bọn trẻ chúng tôi.
Trong trường gặp mấy cô em “Bắc Kỳ nho nhỏ” là bọn Nam Kỳ Lục Tỉnh chạy xa. Ăn uống thì một con tôm cõng ba hạt muối, chém to kho mặn, rau muống luộc chấm mắm tôm cũng xong một bữa cơm, dư đồng nào dắt vào ruột tượng.
Mấy nơi dân Bắc Kỳ tụ lại sống chung với nhau như Phú Nhuận, Lăng Cha Cả, Xóm Mới, Vườn Chuối, Vườn Xoài, Cái Sắn, Hố Nai, Gia Kiệm thì đến “Việt Cộng” trước và sau tháng 4 năm 1975 cũng phải chào thua!
Nhà thờ mọc lên san sát, xứ này đến xứ kia sáng sáng chuông nhà thờ thi nhau đổ có muốn ngủ nướng cũng phải bò dậy. Vậy mà nếu ai đụng đến một chút là “Tiên sư tổ bố nhà mày, để ông, để bà dạy cho mà biết nhá!...” Những tài xế lái xe chạy qua ngả Hố Nai, Gia Kiệm nhiều lần phải toát mồ hôi hột mỗi khi sơ ý để xẩy ra tai nạn.
Trở lên là những hình ảnh tôi có được về người Bắc Kỳ. Những hình ảnh này dường như nó đã ăn sâu vào tâm trí tôi trong suốt thời gian còn cắp sách đến trường. Sau này nhờ ơn ông chồng Bắc Kỳ “giải phóng” mà tôi mới biết mình sai, và cũng từ đó, tôi yêu, tôi mến người Bắc. Nếu ai hỏi tôi, thì tôi rất hãnh diện trả lời: “Chồng em Bắc Kỳ 54 đấy!”
Nhớ lại thời còn là nữ sinh St. Paul, đa số bọn con gái chúng tôi đều mơ mộng các chàng Taberd hay một trường Tây vì đa số dân ở đó là con nhà giầu, công tử có nhiều tiền, nói tiếng Pháp, và nhiều chàng còn mang song tịch Việt-Pháp. Nhưng thói đời dường như trái ngược, phần đông dân St. Paul chúng tôi đều bị mấy anh Bắc Kỳ “dzớt”. Có phải là “ghét của nào trời trao của đó” không? Hay tại con trai Bắc Kỳ dẻo mép, lỳ, và biết tâm lý con gái. Ba tôi thường nói với chúng tôi phải tránh xa bọn con trai Bắc Kỳ. Chúng nó nói “con kiến trong lỗ nghe bùi tai cũng bò ra”. Nhưng nghe rồi thì khổ cả đời!!!
Riêng tôi thì chẳng lo gì trai Bắc Kỳ theo tán tỉnh, vì cả tuần trong trường với các Soeur. Đi về đã có tài xế đưa xe đến đón chung với chị và em gái. Ngoài ra trong nhà còn có hai ông anh một ông đệ tam, một ông đệ tứ đẳng huyền đai Thái Cực Đạo (Tae Kwon Do) thì lo gì bị trai Bắc Kỳ tấn công hay bắt cóc. Còn những ngày nghỉ lại được ba bảo chú tài xế chở về quê ngoại ở Cái Bè để đùa chơi với sông nước, với vườn trái cây, với đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Đã vậy ông già tôi thuộc loại nghiêm khắc, đi đứng, giờ giấc luôn phải rõ ràng: đi đâu, với ai, lúc nào, và bao giờ về. Tóm lại, từ ba má đến các anh chị tôi, và cả chính tôi “hổng” ưa Bắc Kỳ.
Ghét Bắc Kỳ nhưng lại lấy Bắc Kỳ. Chuyện tình của tôi với chàng trai Bắc Kỳ bắt đầu từ một chiều thứ Bảy. Hôm đó, anh Năm của tôi, thiếu úy tùy viên cho một vị chỉ huy trưởng nào đó về chơi và dẫn theo một sỹ quan bạn của anh. “Người đâu nước họ, chẳng nọ thời kia,” vừa gặp tôi là cứ chăm chăm nhìn từ đầu xuống chân làm tôi thấy mắc cở muốn chết. Sau này tôi mới biết chàng là một trung úy làm trong phòng hành quân và là bạn thân của anh Năm. Người trông lịch sự, trí thức, và thêm chất lính nên không đến nỗi tệ. Khổ cái vừa mở miệng ra đã biết đó là Bắc Kỳ: “Không dám ạ! Vâng! Không dám ạ!” Lại còn gọi tôi là “bé”. Tôi nghe chàng ta nói thầm với anh Năm: “Mày cho tao làm em rể mày nha. Em mày xinh gái quá!”
Chuyện gì thì được chứ chuyện “làm em rể” coi bộ khó. Bởi sau lần đầu ra mắt đó, toàn bộ gia đình tôi đều “chê” chàng.. Thứ nhất, vì tôi đang có chàng võ sĩ bạn của anh Tư trồng cây si, mà chàng là người Nam. Thứ hai, ba má tôi rất khó về chuyện tình cảm của các con. Thứ ba, cả nhà tôi đều không ưa Bắc Kỳ!
Nhưng đúng như lời ba tôi nói, “Bắc Kỳ nó nói con kiến trong lỗ nghe bùi tai cũng bò ra”. Một vài tuần sau đó, anh Năm đánh lừa chở tôi đi ăn kem với chàng và tôi thấy “mê” cái lối nói chuyện và phong cách người lớn của chàng. Không như những tin đồn về Bắc Kỳ keo, Bắc Kỳ kẹo kéo, chàng chi cách rất hào sảng, mặc dù mỗi lần đi chơi như vậy với anh Năm và với tôi, chàng đã phải dành dụm, và nhịn ăn cả nửa tháng lương. Còn về cái tài thu hút và kể chuyện thì khỏi nói. Người ta chỉ cần cái miệng, nụ cười, và ánh mắt là đủ để làm mê mẩn lòng người rồi, nhưng ở chàng thì có cả ba. Nụ cười và ánh mắt chàng trông rất đa tình, còn cái miệng thì dẻo như kẹo kéo. “Bé! Bé của anh”, “Bé muốn gì anh mua tặng bé!”, “Nhìn bé là trái tim anh thổn thức!”... Một hôm chàng trổ tài nói tiếng Pháp với anh Năm và tôi. Chàng thừa biết là gia đình tôi ai cũng học trường Pháp từ nhỏ, nhưng không biết vì cao hứng hay vì để tán tỉnh, chàng kể câu chuyện tiếng Pháp mà mãi đến hôm nay mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn thấy cái xạo, nhưng lại đã trót yêu cái xạo của chàng.
Chàng kể là một anh lính nọ trong phiên gác đêm ở bìa rừng, không biết vì ngủ gật hay vì sợ, anh nổ súng khiến cả đồn lính nhốn nháo. Cấp chỉ huy của anh ra hỏi, anh diễn tả bằng một loại tiếng Pháp nhà quê: “Lúy bớp, lúy pá bớp. Lúy gầm, lúy gừ, lúy măng dê me xừ, lúy măng dê mỏa, mỏa tia rê lúy”. Tôi và anh Năm nghe xong nhìn nhau không hiểu gì. Anh Năm hỏi lại:
Mày nói gì, tụi tao học tiếng Pháp từ nhỏ sao nghe không hiểu?
Chàng tỉnh bơ trả lời:
-Tại tiếng Pháp cậu không tới. Này nhá, anh lính đó trả lời vị chỉ huy là trong bóng đêm anh nhìn thấy một con cọp tiến vào đồn lính nên anh phải nổ súng. Cọp nghe tiếng súng đã bỏ chạy.
Thấy anh Năm và tôi còn ngơ ngác, chàng lên mặt cắt nghĩa tiếp:
-Lúy bớp (nó là con bò), lúy pá bớp (nó không phải bò), lúy gầm, lúy gừ. Trông như bò mà không phải là bò lại còn biết gầm, biết gừ, biết ăn thịt ông và ăn thịt tôi nữa (lúy măng dê me xừ, lúy măng dê mỏa) thì là con cọp chứ con gì. Vì vậy mà phải bắn nó.
Nghe chàng cắt nghĩa, anh em tôi cười quá chừng. Thì ra đó là câu truyện ông thày Pháp văn của chàng đã bịa ra để dạy về động từ manger (ăn) và động từ tirer (bắn).
Chuyện tình của tôi và chàng vừa bước vào những chặng đầu êm ả của bốn mắt nhìn nhau không nói ấy, bỗng nhiên biến cố 30 tháng 4 năm 1975 ập xuống cho cả miền Nam. Chúng tôi mất liên lạc.
Sau khi tốt nghiệp năm đó, tôi về nhà giúp ba má, trông nom công việc nhà, vì ba tôi không muốn để bọn Cộng Sản nhòm ngó. Nếp sống sống đài các tiểu thư của tôi và anh chị em tôi chấm dứt từ đây. Dưới những khắc nghiệt của đời sống trong chế độ Cộng Sản, năm 1980 ba má lo cho tôi và em trai Út vượt biên. May mắn chuyến đi tuy vất vả nhưng trót lọt, chúng tôi qua đến Thái lan trong tình trạng rất khó khăn. Phần vì quen lối sống tiểu thư nên hòa mình trong trường như vậy thấy khó sống quá. Nhưng rồi cũng phải sống. Lo lắng về những chuyện gì sẽ xẩy ra cho mình và em trai mình trong những ngày tháng kể tiếp, và hôm đó sau thánh lễ Chúa Nhật, tôi đang còn nán lại dưới chân đài Đức Mẹ lòng tràn đầy khổ đau thì bỗng nhiên có ai động nhẹ vào vai. Quay lại thì là chàng.
-Bé sang đây bao giờ, sao không thấy đến trình diện Ban Trại Trưởng?
-Mới tới hồi qua. Ủa mà sao anh cũng ở đây?
-Chuyện dài nhân dân tự vệ, để mai mốt rảnh anh kể cho nghe. Bây giờ “bé” ở khu nào? Cần gì cho anh biết nào?
Thì ra sau khi miền Nam mất, chàng trốn lên Hố Nai rồi Gia Kiệm, và sau cùng xuống Cái Sắn ở ẩn tìm đường vượt biên. Ba lần thất bại, bị rượt bắt thoát chết. Lần thứ 4 may mắn qua được Thái lan. Nhờ gốc gác nhà binh, lại thêm chút vốn liếng Anh Văn, chàng đang làm thiện nguyện cho cơ quan thông dịch của trại. Tôi cũng nhờ có tiếng Pháp, nên được chàng giới thiệu vào làm giúp thông dịch các hồ sơ đi Pháp. Cũng nhờ ở đây tôi mới khám phá ra khả năng tiếng Pháp của chàng chỉ là vừa đủ để thi tú tài Việt. Tiếng Pháp mà sau này tôi vẫn chọc quê chàng là tiếng Tây “Tây Ninh”. Mỗi lần như vậy, chàng đều chống chế: “Anh mà không xổ nho như vậy thì sao có người lúc đó tròn xoe con mắt ngó anh để anh tìm thấy hình ảnh của anh trong đôi mắt đó chứ?” Nghe mà thấy ghét.
Khi nghe tin tôi quen lại với chàng ở xứ lạ, quê người, cả nhà đều lo lắng chỉ sợ tôi bị gạt. Riêng ba má tôi khi nghe anh chị em nói tôi gặp lại chàng đã phản ứng rất gay gắt: “Thà nó lấy ba Tàu, Tây đen, Mỹ, Thái, Miên, Lào gì cũng được. Lấy Bắc Kỳ là tao không ưng.” Có lẽ ông không có thiện cảm với người Bắc vì ông hay kể cho chúng tôi nghe ở đồn điền Bàu Cá của ông, hàng đêm vẫn có những người dân di cư chung quanh nhảy rào vào ăn cắp trái cây, gây thiệt hại nhiều cho ông. Ông còn nói, làm xui với Bắc Kỳ họ nói gì tao không hiểu. Tao không biết ăn thịt chó. Tao không ăn được rau muống và mắm tôm…
Được gia đình chấp thuận hay không, cuối cùng thì tôi cũng từ giã chàng sang định cư ở Orange County, California sống với người cậu họ. Tại Mỹ chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau qua thư từ và điện thoại, nhưng chuyện tình cảm thì không thể tiến xa được một bước. Tôi vừa đi làm nhà hàng vừa đi học, còn chàng cũng vừa lao động vừa đi học. Một sự tình cờ xẩy ra khiến cho tình cảm của chúng tôi đi vào thêm những rắc rối.. Số là ông cậu bà mợ của tôi rất mê nhẩy đầm. Tuần nào không đi nhẩy thì nhớ.. Nhưng đi nhẩy đầm riết kiếm đâu ra tiền, đành bắt tôi trở thành cái mỏ vàng khai thác. Bởi vì khi tôi đi với cậu mợ thì đương nhiên có những chàng khác cùng đi, và như vậy cậu mợ tôi được vào cửa free.
Hồi đó một chàng tự xưng là không quân theo bám tôi rất sát. Hầu như tuần nào cũng ghé nhà cậu mợ để đón chúng tôi đi nhẩy đầm.. Đã có lần chàng hào sảng đưa cho tôi mấy cái Visa và Credit Card, cho tôi luôn cả passwords của chàng và nói tôi muốn xài gì tùy ý. Mợ tôi thấy vậy nói với tôi: “Dại gì mà không xài. Tiền cho gái mà!”, nhưng tôi không muốn vì trong tim tôi lúc này vẫn chỉ có chàng. Tôi đã trả lại những thẻ đó, và cầu cứu chàng. Nghe tôi nói, chàng bảo tôi cho chàng vài ngày để thu xếp công việc và sang với tôi. Sở làm chàng không có chi nhánh ở California, nên chàng đành phải làm đơn thôi việc. Nhưng có một điều khiến tôi lo sợ, đó là nghe rằng ông không quân này dân Bình Định có võ dữ lắm. Và tôi đã nói với chàng:
-Ông phi công đó có võ anh ơi! Coi ổng cũng ngầu lắm.
-Nó là lính, anh cũng là lính. Nó có võ, anh cũng có võ chưa chắc ai hơn ai?
Nghe chàng nói chàng có võ, tôi nghĩ lại vốn liếng tiếng Pháp của chàng, nên hỏi chàng:
-Em hỏi thiệt anh đừng buồn nghe. Anh có võ thiệt không? Em sợ anh có võ cũng như anh biết tiếng Pháp vậy.
Nghe vậy, chàng không buồn mà còn cười như nắc nẻ ở đầu dây:
-Tiếng Pháp của anh đâu đến nỗi tệ chứ. Miễn sao có người học trường đầm nghe mà không hiểu là đủ rồi.
Qua California cỡ chừng 3 tháng thì chàng mới tìm được việc làm và ổn định nơi ăn chốn ở. Nhờ chàng, tôi tự tin hơn và nhất định không đi nhẩy đầm nữa. Cũng nhờ một vị hảo tâm đã nhận tôi làm con nuôi giúp đỡ về kinh tế, nên tôi và cậu Út ra ở riêng để trở lại học full time. Điều này làm phiền lòng cậu mợ.
Thời gian quen nhau cũng đã dài, và đã làm hao mòn nhiều kiên nhẫn, tuy nhiên, việc cưới xin vẫn dậm chân tại chỗ.. Cả nhà chỉ có anh Năm là tán đồng, vì anh biết chàng từ trong đơn vị. Ngoài ra người chống đối nhất vẫn là anh Tư vì bạn anh Tư chính là người từng trồng cây si trước cửa nhà tôi, và đến bây giờ anh vẫn còn độc thân. Mấy năm trước khi có dịp về thăm quê, tôi gặp anh sang chơi và hỏi anh sao anh không lo lập gia đình. Anh trả lời: “Anh đã có một người rồi, nhưng người ấy lại bỏ anh đi lấy chồng.” Tôi rất trân trọng sự chung tình của anh, nhưng đối với tôi người chồng Bắc Kỳ 54 vẫn là number one.
Sau gần 5 năm chờ đợi, có lẽ ba tôi sợ tôi ế chồng và làm gái già ở ngoại quốc chăng. Cũng nhờ có ông cậu bên Mỹ nói vô, và anh Năm ở Việt Nam nói vào, ba tôi cuối cùng cho chúng tôi tổ chức đám cưới. Sau ngày cưới, chúng tôi thường xuyên thư từ và điện thoại với ba má tôi, nên lần lần ông đã bị chàng cảm hóa. Trước khi ông qua đời 10 năm trước đây, ông đã sang Mỹ và ở với chúng tôi 2 tuần. Mặc dù tôi cũng có các anh chị em khác ở Mỹ, Pháp, Bỉ, Hòa Lan nhưng ông nhất định dành thời giờ ở với chúng tôi. Không biết chàng làm gì với ông bố vợ mà trước khi về lại Việt Nam, lúc chỉ có hai cha con, ông đã nói với tôi một câu rất yên ủi: “Mày có phước đa. Kiếm được thằng Bắc Kỳ tốt quá ta. Ba biết vậy gả phức mày cho nó từ sớm để mày đỡ cực khổ!” Nhưng có lẽ ông ưng ý nhất là một lần sau khi ăn cơm xong, chàng lao vào bếp rửa bát. Thấy vậy, ba tôi nói với chàng:
-Việc đàn bà con gái, sao làm chuyện đó làm gì con?
Nghe ba tôi nói với chàng bằng tiếng “con” ngọt ngào, thân thương quá khiến tôi rươm rướm nước mắt. Và chàng đã gọn ghẽ đáp lại:
-Việc trong nhà là việc chung thưa ba. Con chỉ sợ con gái ba mệt thôi!”
Nói đến ông xã của tôi, Bắc Kỳ thứ thiệt. Theo cha mẹ di cư vào Nam năm 54 bằng tàu há mồm. Sống và lớn lên ở Gia Kiệm, sau đó lên Sài gòn học và đậu Tú Tài II ban Toán rồi đi lính làm sĩ quan. Tính tình cẩn thận và tiết kiệm chứ không keo kiệt. Hồi đầu tôi thường lẫn lộn mấy chữ tiết kiệm và keo kiệt nên hiểu lầm chàng. Dĩ nhiên chàng hào hoa và nói năng khéo léo. Thêm vào đó là có tính khôi hài hết xẩy. Chịu khó và thực tế hơn mấy công tử Taberd ông xã của vài đứa bạn tôi.
Sau những năm tháng chung sống, đúng như lời ba tôi đã nhận xét, tôi may mắn và hạnh phúc vì có người chồng với ý thức trưởng thành và sự chung thủy tuyệt đối.
Nói “Trai Bắc Kỳ lấy vợ Nam Kỳ phè cánh nhạn” với tôi chỉ đúng một nửa, vì trong trường hợp của tôi, người phè cánh nhạn chính là tôi, và các con. Nói ra sợ mắc cở, nhiều hôm công việc bề bộn tôi không kịp nấu ăn thì chàng là người đầu bếp tốt nhất. Ngoài ra còn là ủi quần áo cho vợ con nữa. Còn việc rửa chén bát sau bữa ăn là “chuyện nhỏ” đối với chàng. Chàng thường nói: “Vợ cũng như chồng, ai cũng phải có trách nhiệm chung. Trong gia đình, ai cũng mệt, cũng cực cả, nên làm gì được cho nhau thì cố mà làm. Tình yêu là cái “chó” gì khi chỉ nói cái miệng!”. Tôi thích nhất câu nói kiểu Bắc Kỳ này của chàng. Nói cho đúng Bắc, Trung, hay Nam cũng tùy từng người. Và đó là lý do tôi vẫn tự hào “Chồng em là Bắc Kỳ 54”.
Jeanne K

No comments:

Post a Comment

Cáo Phó và Chia Buồn Cụ Ông Dominico Trần Văn Điền thân phụ LS Trần Thái Văn

  Pham Kỳlam Like Reply 1d Tranh Nguyen Thành kính phân ưu.! Like Reply 1d Luc Van Thành Kính Phân Ưu . Like Reply 1d Ngan Nguyen Chia buồn ...