Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh
"Từ mặt trận Vùng 2 Duyên Hải trở về, đóng tại Cát Lái, Phó Đề Đốc Hoàng cơ Minh làm việc với Phó Đề Đốc Đinh mạnh Hùng, Phụ Tá Tư Lệnh Hải Quân, đặc trách Hành Quân Sông. Trong hàng tướng lãnh Hải Quân, dưới Phó Đô Đốc Chung tấn Cang, 3 sao, Tư Lệnh Hải Quân, Phó Đề Đốc Đinh mạnh Hùng, 1 sao, là người thâm niên nhất. (Hai vị tướng 2 sao khác là Đề Đốc Trần văn Chơn, cựu Tư Lệnh Hải Quân, thì đã về hưu; Đề Đốc Lâm ngươn Tánh, cựu Tư Lệnh Hải Quân thì được biệt phái sang Phủ Quốc Vụ Khanh, lo cho người tỵ nạn). Tướng Hùng xuất thân khoá 2 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, từng lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Ông cũng được tiếng là một vị sĩ quan cẩn trọng, lịch duyệt, kín đáo, được thượng cấp tin cẩn và thuộc cấp kính trọng. Trong cuộc nói chuyện với Đô Đốc Chung tấn Cang, chúng tôi có hỏi rằng: "Ai là người có công nhất trong việc đem đoàn tàu ra khơi?" Đô Đốc Cang cho biết: "Hải Quân, như một chiếc tàu, không ai làm việc được một mình. Mọi thành công lớn, nhỏ, đều là công sức của tập thể, của nhiều người. Nhưng riêng trong việc đem đoàn tàu ra khơi, người có công nhất, ngày đêm lo cho đoàn tàu, là ông Hùng. Phó Đề Đốc Đinh mạnh Hùng..." Trong khi đó, là một sĩ quan Hải Quân di tản trên con tàu Thị Nại, HQ 502, một con tàu hỏng máy, chở theo trên 5000 người lênh đênh, khốn khổ lết ra được ngoài khơi Côn Sơn, khi kêu cứu, liên lạc, chúng tôi chỉ thấy tiếng nói của tướng Hoàng cơ Minh trên máy. Do đó chúng tôi có nêu thắc mắc này với Tướng Đinh mạnh Hùng. Tướng Hùng trả lời đại ý: "Ở trên HQ 3, Soái Hạm, trên hết là Đô Đốc Chung tấn Cang, còn có Phó Đề Đốc Diệp quang Thuỷ, rồi sau đó còn có Phó Đề Đốc Nghiêm văn Phú và một số Đại Tá. Trước khi đoàn tàu lên đường, chúng tôi có mời những vị tướng lãnh, các vị sĩ quan cao cấp ở những tàu khác sang họp. Sau, ai về tàu nấy với gia đình. Còn lại trên tàu, tôi thỉnh ý, nhận lệnh từ Đô Đốc Cang, rồi cùng bàn bạc mà thi hành. Đúng, các anh chỉ nghe thấy tiếng ông Minh trên máy. Vì trong chuyến hải hành đặc biệt này, để tránh ngộ nhận và rối loạn tần số, ông Minh được Đô Đốc Cang chỉ định trách nhiệm về liên lạc chỉ huy từ Soái Hạm, một tiếng nói chính thức và duy nhất. Ông Minh làm việc rất chuyên cần, 24/24, hầu như không biết mệt. Tiếng ông Minh rõ ràng, có hùng lực, được anh em Hải Quân biết tới nhiều và kính trọng."
Chúng tôi cũng đem ý kiến này hỏi Trung Tá Nguyễn kim Triệu, Hạm Trưởng HQ 3, ông Triệu cho hay: "Trong phòng Chiến Báo (CIC), chỉ có ông Hùng và ông Minh luôn túc trực, theo dõi mọi diễn tiến của Hạm Đội, nhận lệnh từ Đô Đốc Cang mà thi hành. Cả hai ông ấy đều làm việc rất nhiều, mỗi người mỗi việc, rất là nghiêm túc. Ông Hùng thì trông nom tổng quát. Ông Minh trực tiếp điều động. Tôi (Hạm Trưởng HQ 3), nhận lệnh từ 2 vị này, lo cho con tàu của mình mà thôi."
***
Bây giờ gần 30 năm giã từ quân ngũ. Tuỳ khả năngvà hoàn cảnh, mỗi người phải bắt đầu làm lại cuộc sống từ con số không. Chẳng còn ai to, ai nhỏ nữa. Những tình cảm, kính trọng đối với nhau, tất nhiên không phải là những cấp bậc cao thấp khi xưa, mà là tư cách của mỗi cá nhân còn đọng lại trong trí nhớ của nhau. Tập thể nào cũng có những kẻ bất xứng, lợi dụng đục nước thả câu. Nhưng trong gia đình Hải Quân không thiếu những người đầy tư cách, trong đó có niên trưởng Hoàng cơ Minh. Trong những kỷ niệm đáng nhớ với tướng Minh, tôi đặc biệt nhớ hai sự việc này:
Thứ nhất, khi Hạm Đội Việt Nam Cộng Hoà tới bờ biển Phi Luật Tân, chính tiếng ông Minh trên máy, chuyển công điện cuối cùng của Hải Quân, như sau:
Nhóm ngày giờ:071010H/05/75.
From: của HQ 3.
To: Tất cả các chiến hạm.
Để chuyển giao các chiến hạm cho Hải Quân Hoa Kỳ/ Yêu cầu các nơi nhận chuẩn bị thi hành khi có chỉ thị / Các chiến hạm tự tổ chức làm lễ hạ quốc kỳ Việt Nam và trương quốc kỳ Hoa Kỳ / Tiểu đỉnh của Hoa Kỳ sẽ sơn và xoá tên chiến hạm Việt Nam ở sau lại / Giờ giấc thi hành sẽ thông báo sau / Hết.
Từ công điện này, vào hồi 12 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1975, trên Biển Đông, các chiến hạm của VNCH đã cùng nhau làm lễ chào cờ lần cuối và hạ quốc kỳ VNCH xuống. Những xúc động khôn cùng đã lưu lại trong bao nhiêu trái tim đau khổ. Phút chốc cả đoàn tàu dũng mãnh, nghiêm túc, đủ loại của Hải Quân Việt Nam, giờ đã phấp phới quốc kỳ Mỹ, lần lượt cập cầu căn cứ Subic của Mỹ ở Phi luật Tân.
American Racer at Subic Bay
Đoàn người từ các chiến hạm lũ lượt mang hành lý sang con tàu buôn Green Forrest. Một con tàu chở hàng khổng lồ. Những khoang trống, sâu hun hút rộng thênh, bây giờ được bắc tạm những cầu thang gỗ để lên xuống. Đoàn người như một thứ hàng hoá không còn giá trị, xô bồ, đầy bất trắc, xúc động, rất dễ bùng lên thành những xáo trộn khó lường, khó xử, như mới chỉ vài tuần trước đây đã từng xẩy ra trên chính con tàu này khi di chuyển người từ Đà Nẵng vào Phú Quốc. Theo sự cho biết của Phó Đề Đốc Đặng cao Thăng thì: "Các vị Tư Lệnh, phần lớn là cấp tướng, được Mỹ chở thẳng vào Guam bằng máy bay. Riêng ông Minh, ông tình nguyện đi tàu biển cùng với anh em thuỷ thủ đoàn và dân chúng. Cuộc đi khá dài, cực khổ, tế nhị. Sự hiện diện của ông Minh, theo tôi, đã giữ tinh thần cho anh em rất nhiều."
American Racer at Guam island
Kỷ niệm đáng nhớ thứ hai, vào trung tuần tháng 5 năm 1975, trong khu lều vải Orote Point, Guam, với tư cách cá nhân, tướng Minh đã tìm đến đây để sinh hoạt với anh em Hải Quân. Trong bơ vơ và tràn đầy xúc động, nhiều anh em đã ngẹn ngào nêu những thắc mắc, phẫn nộ liên hệ đến một vài tin đồn, những hành động bất xứng của người này, người khác. Ông Minh, rất bình tĩnh giải đáp và khuyên can. Đặc biệt, để kết luận, ông đã nói: "Việc anh nêu lên là thượng cấp không ai có ý kiến gì hướng dẫn anh em. Điều này quả thực tôi cũng có nghĩ đến, nên hôm nay mới tìm đến đây với anh em. Song đó chỉ là ý kiến cá nhân tôi, còn các vị khác, theo như tôi biết, tất cả còn rất bàng hoàng. Mọi việc đã xẩy ra ngoài dự trù của chúng ta. Dù ai có ý kiến gì lúc này chắc cũng không thể nào thi hành được. Một ván cờ đã xoá. Mọi việc đã xong. Điều mà chúng ta phải làm là, ngoài việc định cư trên đất mới, chúng ta phải sáng suốt tìm hiểu mọi diễn tiến của thời cuộc, và đặc biệt giữ lấy mối căm thù mất nước ngày hôm nay. Từ đó chúng ta sẽ đoàn kết lại mưu cầu một vận hội mới sau này."
***
Để có một cái nhìn cụ thể, một nhận định đã trực tiếp ảnh hưởng đến binh nghiệp của ông Minh, bài viết này đã được gửi lên vị cựu Tư Lệnh Hải Quân, người đã phê điểm và đề nghị ông Minh lên tướng, Đề Đốc Trần văn Chơn đã đọc rất kỹ và ghi chú: "Anh viết đúng lắm. Ông Minh là một người tài giỏi. Khi làm Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân, ông Minh đã chứng tỏ được lòng hăng say, nhiều sáng kiến trong lãnh vực tham mưu. Khi được giao trách vụ Tư Lệnh Lực Lượng Thuỷ Bộ, hơn ai hết, ông Minh đã tỏ ra can trường và rất là tháo vát. Lực Lượng của ông không chỉ đã góp công trong việc khai thông kinh Phụng Hiệp, giữ huyết mạch kinh tế giữa Sài Gòn và vùng châu thổ Cửu Long giang, mà Lực Lượng Thuỷ Bộ dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông Minh đã quần nát vùng U Minh Thượng, U Minh Hạ, mật khu an toàn và hậu cần căn bản của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại về nhiều mặt, ảnh hưởng rất lâu dài. Ông Minh khoá 5, khi lên tướng mới 38 tuổi, trẻ nhất trong hàng tướng lãnh Hải Quân, vượt qua nhiều vị đàn anh, chính vì ông Minh đã có đủ Tài, Đức và lòng Dũng Cảm. Trong danh sách, tôi đề nghị ông Minh cùng một vài vị Đại Tá khác thâm niên hơn ông Minh. Tôi nghĩ rằng Tổng Thống Thiệu đã chọn ông Minh chính nhờ lòng dũng cảm hơn người của ông Minh. Nếu vận hội bình thường, Miền Nam còn, tương lai của ông Minh, tôi nghĩ, sẽ vô cùng sáng lạn. Sau này khi ông Minh lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, thì tôi còn ở tù. Việt Cộng tỏ ra rất căm tức và có hỏi tôi rất nhiều về ông Minh. Tôi đã hết lời ca ngợi và nói rằng ông Minh là một vị tướng tài của Hải Quân Miền Nam".
***
Từ 1975 về sau, trong một vận hội mới, Phó Đề Đốc Hoàng cơ Minh là một khuôn mặt xuất hiện trước ánh sáng của thời cuộc, với bao nhiêu vinh quang và hệ luỵ vui buồn. Ông sinh ngày 20 tháng 6 năm 1935, đã hy sinh dũng liệt cùng những chiến hữu tại Nam Lào ngày 28 tháng 8 năm 1987, trên đường trở về mưu cầu giải phóng quê hương. Người viết không phải là thành viên của tổ chức này, không nắm vững vấn đề, nên không dám đề cập, nhận định về những hoạt động sau này của ông. Là một quân nhân cấp nhỏ, có một thời mặc cùng mầu áo với ông, được tin ông nằm xuống, tôi rất bàng hoàng, xúc động và hết lòng kính ngưỡng. Tôi thu góp một số dữ kiện liên hệ trong thời quân ngũ của ông, ghi lại thành bài viết này, thay cho một nén hương tưởng niệm, nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của một vị chỉ huy mẫu mực, một vị tướng can trường, một tấm gương thanh liêm và trong sáng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà. Hy vọng bài viết này thay cho lời phân ưu muộn màng gửi tới đại gia đình Hoàng Cơ và phu nhân Phó Đề Đốc Hoàng cơ Minh.
Chúng tôi cũng xin chân thành đa tạ quý vị Đô Đốc, quý niên trưởng và các chiến hữu Hải Quân đã tận tình hỗ trợ, cung cấp những dữ kiện liên hệ, cũng như chỉ cho những sai sót để bài viết này được hoàn tất.
Phan Lạc Tiếp
No comments:
Post a Comment