Monday, July 6, 2020

Những con hẻm, anh và em - Nguyễn Thị Thanh Dương

Chàng đi xe vòng qua vòng lại mấy ngõ hẻm và bối rối tự trách mình đã không hỏi Vân cho kỹ để bây giờ phải mất công suy đoán.

Hình như Vân nói hẻm nhà Quế Hương nằm gần nhà thờ hay chùa gì đó.

Chàng quẹo vào một con hẻm và vừa đi vừa hỏi thăm nhà cô Quế Hương, tuyệt nhiên không ai biết, chàng liền chìa số nhà ra hỏi thì một người nói số nhà này nằm trong con hẻm xóm chùa.
– Vậy đây là hẻm gì hả bác?
– Hẻm xóm nhà thờ. Hẻm chùa phải đi thêm một khúc nữa. Nhớ đừng đi quá xa là… sang con hẻm khác nữa đó.

Chàng nhìn túi xách trong đó có bịch dâu tây Ðà Lạt tươi ngon. Hy vọng sẽ đến đúng nhà và làm quà cho người đẹp của lòng.
Chàng lại vừa đi vừa hỏi thăm, lần này chàng quẹo vào đúng ngõ chùa, đi qua chùa thì thấy gò mả đá ong vài cái cao thấp như lời Vân kể, thế là chàng vui mừng đã thoát nợ những con hẻm.
Từ đây chàng chỉ việc quẹo trái là vào hẻm nhà Quế Hương, một hẻm ngắn có chừng hơn hai chục căn nhà, lẽ nào chàng tìm không ra.

Muốn chắc ăn chàng hỏi lũ trẻ con đang leo trèo chơi đùa trên gò mả:
– Các em có biết nhà chị Quế Hương trong con hẻm này không?
Vài đứa nhao nhao lên:
– Cái tên lạ hoắc, tụi em không biết chị này.
– Anh đi lộn hẻm rồi, hẻm tụi em không có chị Quế Hương.
Chàng cố kèo nài:
– Các em thử suy nghĩ xem biết đâu chị Quế Hương ở con hẻm nào gần đây chăng?
– Bảo đảm với anh là không.

Trẻ con chạy nhảy chơi đùa khắp xóm cả ngày mà không biết chị Quế Hương hàng xóm của chúng kể cũng lạ. Không lẽ chàng vẫn đi lạc hẻm?
Chàng dắt xe quẹo trái vào con hẻm để dò tìm số nhà xem sao. Số nhà đây rồi, là căn nhà thứ năm ngay trước mặt chàng, nhưng chàng ngại ngùng do dự chưa dám gọi cổng ngay vì lời lũ trẻ đã khẳng định không có chị nào tên Quế Hương trong hẻm này.

Một bà bán hàng lớn tuổi tay bưng thúng vừa đi vừa rao:
– Ai bánh chưng, bánh dày giò không…
Chàng liền hỏi:
– Thưa bác, cho cháu hỏi thăm nhà cô Quế Hương.
Bà già đáp ngay không cần suy nghĩ:
– Quế Hương nào ở đây? Tôi chịu thua…

Chàng lại chìa tấm giấy ghi địa chỉ ra làm bằng chứng:
– Ðây bác, đúng là căn nhà này số 95/3.
– Ối giời, anh lầm to rồi. Nhà này chỉ có con bé Tẹt thôi, tôi là hàng xóm lại bán hàng quà rong xóm này mười mấy năm còn lạ gì nó, nó thường ăn hàng của tôi, khi thì bánh chưng khi thì bánh dày giò.
– Bé…Tẹt?
– Chứ còn gì nữa, mẹ nó gọi yêu thế từ khi còn bé vì… mũi nó tẹt.

Chàng nhớ đến gương mặt xinh Quế Hương, rõ ràng là sóng mũi nàng cao, vậy là địa chỉ này có sự nhầm lẫn chăng??
Ngay lúc ấy một cô gái đi tới, cô là con của bà già:
– Anh ấy hỏi mẹ gì thế?
– Anh ấy tìm nhà cô Quế Hương nào đó.

Cô gái hiểu chuyện, trách mẹ:
– Cô ấy lớn rồi mà mẹ cứ gọi là bé Tẹt. Thật ra trong nhà này có bé Tẹt thuở nhỏ nhưng cô tên là Thoa, chứ không phải Quế Hương mà anh đang tìm kiếm.
Chàng chán nản thất vọng:
– Cả hai tên bé Tẹt hay Thoa đều xa lạ quá. Thôi, cám ơn bác và chị.
Hai mẹ con bà bán hàng kia đi khỏi, chàng còn đứng ngẩn ngơ, tiếc công mình từ sáng đến giờ đi tìm qua mấy con hẻm.

Ngay lúc ấy cánh cổng nhà 95/3 mở toang, cô gái bê thùng rác ra để ngoài sân:
– Anh làm ơn đứng xích ra, chỗ này nhà em để… thùng rác.
Chàng quay lại nhìn cô gái và mừng rỡ kêu lên như sợ nàng biến mất, chìm khuất mất trong những con hẻm rắc rối này:
– Quế Hương, Quế Hương đây rồi….
Nàng ngỡ ngàng nhìn chàng:
– Ơ,… anh đi đâu đây, sao anh biết nhà em?

Chàng phàn nàn:
– Tìm con hẻm nhà em đã khó, tìm được Quế Hương còn khó hơn. Anh sẽ trả lời câu hỏi của em sau. Ðể anh hỏi em trước đã, tại sao đã tên bé Tẹt lại là Thoa mà không là Quế Hương? Vậy tên nào là tên thật của em?
–  Dĩ nhiên là tên Quế Hương vì khi mang thai em, mẹ em ốm nghén thích ngửi mùi  quế nên tên em mới lạc điệu…
Chàng ngơ ngác chẳng hiểu gì:
–  Lạc điệu?
– Vâng, vì tên các anh chị của em đều bắt đầu bằng TH, thế nên bố mẹ đặt em tên Thoa để gọi ở nhà cho vần điệu với tên các anh chị. Còn tên bé Tẹt…
Chàng sốt ruột ngắt lời:
– Anh đã biết lai lịch tên bé Tẹt rồi. Bà bán bánh chưng, bánh dày cho em đã khai với anh lúc nãy.

Nàng hơi vênh mặt chắc là để khoe chiếc mũi cao cao:
– Dù mũi em cao dần theo thời gian khi em lớn lên như bây giờ nè, thế mà hàng xóm cứ quen miệng. Vâng, hàng xóm chỉ biết em với hai tên ấy thôi, tên Quế Hương trong khai sinh ít ai biết đến. Mà anh tìm em…làm gì?

Bây giờ chàng đâm ra lúng túng với túi xách đựng dâu trên tay:
– À…anh…mới đi Ðà Lạt về có mua ít dâu tươi ngon mang… tặng em. Bởi thế anh mới xin Vân địa chỉ nhà em đến đây… gấp kẻo… dâu héo mất.
Cô bé bắc kỳ mới 17 tuổi nhưng thừa hiểu ý đồ anh muốn đến làm quen vì hôm gặp anh ở nhà Vân anh luôn tìm cách chuyện trò với nàng, Quế Hương giả vờ ngây thơ và khách sáo:
– Anh làm em ngại quá chỉ vì mấy quả dâu tây mà đường xa vất vả.

Nàng mời chàng vào nhà, bước qua cánh cổng có giàn hoa giấy đỏ, đi qua khoảng sân loáng thoáng những lá mít khô chắc từ nhà bên cạnh bay sang vì cây mít to cao ló đầu trên bức tường thấp giữa hai nhà.
Chàng và nàng nói chuyện, nghe chàng kể đã đi lộn vào hẻm nhà thờ, Quế Hương cười giải thích:
– Hẻm nhà thờ cũng đến hẻm chùa được mà anh, tại anh là khách lạ nên không biết đường đi.
Chàng vội nắm lấy cơ hội:
– Vậy hôm nào em rảnh đưa… anh đi thăm hết mấy con hẻm xóm em nhé, để lần sau nếu có đi lạc anh còn biết đến nhà em.

Nàng kể cho chàng nghe tên những con hẻm xóm mình. Hẻm “cổng thành” vì đối diện với xưởng Lục quân Công xưởng.
Hẻm “Nhà Thờ” vì gần ngay nhà Cha xứ và dẫn vào nhà thờ. Hẻm “Xóm Chùa” có lối vào cổng chùa, tuy trần tục vây quanh, trẻ con nghịch phá, người lớn thường cãi nhau ỏm tỏi, nhưng ngôi chùa nằm đầu con hẻm vẫn ngày ngày vọng câu kinh tiếng kệ.

Nếu đi về hướng khác thì lại có những con hẻm mang tên khác nhau cũng dẫn vào xóm, hẻm “Mộng Thành” vì có quán cà phê Mộng Thành , hẻm “Bún riêu ” vì hàng bún riêu ngon có tiếng của bà Tư ngự trị nơi đây v..v…
Nhưng dù đi hẻm nào, vào trong trận đồ bát quái ấy cũng vẫn có thể quẹo ngang quẹo dọc, đi tới đi lui, đến nơi mình muốn.
Chàng xuýt xoa:
Nghe em kể anh thấy thương… tất cả những con hẻm xóm em. Ước gì ngày nào anh cũng được đến…
Nàng hóm hỉnh:
– Ðến làm gì? chả lẽ ngày nào anh cũng… có dâu Ðà Lạt tặng em?

Quế Hương là bạn học cùng lớp với Vân.
Hôm sinh nhật Vân, đám bạn Vân đã ngồi cùng bàn với đám bạn anh trai của Vân, cả bàn cùng nói chuyện vui như Tết.
Chàng ngồi đối diện Quế Hương, nói  chuyện với Quế Hương nhiều nhất, khi ra về còn xin địa chỉ, nàng kiêu kiêu từ chối lý do là nhà em trong xóm có nhiều con hẻm anh không thể nào tìm ra đâu.
Thế mà hôm nay chàng đã tìm ra.

Chàng chăm chỉ đến nhà Quế Hương, chỉ vài tháng quen nhau tình cảm hai người đã trở nên thân mật.
Lúc rảnh rỗi nàng dẫn anh lang thang xuyên qua những con hẻm trong xóm, vừa đi vừa nói chuyện và trìu mến kể về những người hàng xóm, cứ làm như anh muốn quen nàng thì phải… quen tất cả hàng xóm của nàng.

Có hẻm dài quanh co, nhà nhô ra thụt vào, có hẻm nhỏ tối sâu hun hút ngại ngùng cả bước chân, có hẻm ngắn dẫn đến những lối rẽ nếu là người lạ sẽ phân vân chẳng biết lối nào đi…
Hai người cùng ăn nhiều món quà hàng rong trong xóm. Anh thân thiện giản dị cùng nàng ngồi hàng bún riêu bà Tư và khen là bún riêu ngon hơn nhiều nơi khác anh đã từng ăn. Con hẻm mang tên “Bún Riêu” cũng không ngoa.

Nàng dẫn anh đi vòng quanh ngôi nhà thờ, chỉ cho chàng biết góc sân kia là nơi dựng hang đá mỗi mùa lễ Giáng Sinh.
Thuở bé nàng đã say mê đứng ngoài hàng rào song sắt cổng nhà thờ nhìn ngắm hang đá ấy mà không biết chán.
Nàng dẫn anh vào thăm chùa lễ Phật và hái hoa Ngọc Lan trồng ngoài sân chùa khi ra về, hương Ngọc Lan thơm tho quấn quýt cả hai người.

Chàng đã quen thuộc nhiều con hẻm trong xóm, nhưng thân nhất vẫn là con hẻm xóm chùa nhà nàng.
Mỗi lần anh đến, lũ trẻ con chơi đùa trên gò mả đá ong đầu hẻm cũng ríu rít chào anh, coi anh như một người thân của xóm.

Một hôm anh đến và hai người cùng đi lang thang trong xóm như mọi lần, nhưng lần đầu tiên anh hỏi nàng về quán cà phê “Mộng Thành” Nàng ngạc nhiên:
– Hôm nay anh thích uống cà phê ở con hẻm xa lơ xa lắc ấy hả?
– Anh thích cái tên “Mộng Thành” của nó. Có phải là những giấc mộng sẽ thành sự thật không em? Thí dụ như mộng thành… đôi.
Nàng chanh chảnh:
– Nhưng… “Anh ơi nếu mộng không thành thì sao?”
– Mặc cho người ta hát hò thế. Chúng mình sẽ khác.

Hai người vào quán cà phê hẻm “Mộng Thành”. Anh buồn buồn báo tin:
– Anh sắp đi du học rồi. Ðây là kế hoạch của cha mẹ và của anh từ trước khi anh quen em. Anh du học tự túc ở Mỹ, bậc trên đại học….
Chàng nắm lấy bàn tay nàng, tha thiết:
– Anh yêu em ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ hôm chúng ta ăn sinh nhật nhà Vân. Sắp phải xa em anh buồn lắm, nhưng cả hai chúng ta còn quá trẻ. Em chờ đợi anh nhé.
Nàng run run cảm xúc:
– Vâng em sẽ đợi anh. Chúc anh học hành thành đạt.
– Anh cũng chúc em sẽ thi đậu đại học ngành nghề mà em yêu thích. Chúng ta sẽ có ngày tái ngộ.

Chàng đi xa, nàng bắt đầu mộng mơ nhớ nhớ thương thương nhưng vẫn không xao lãng chuyện học hành. Ðầu năm ấy nàng thi đậu vào đại học sư phạm.
Hai người vẫn thường xuyên liên lạc nhau qua thư từ và cả hai cùng hứa sẽ học hành thành đạt cho ngày tái ngộ tròn vẹn niềm vui.
Còn vài tháng nữa chàng sẽ trở về và nàng sẽ tốt nghiệp cô giáo.


Bỗng đâu một bà bạn của cha mẹ nàng hí hửng muốn giới thiệu nàng cho một chàng trai mà bà rất ưng ý. Bà xuýt xoa nói với mẹ nàng:
– Tôi mà có con gái thì gả cho anh ta ngay, chẳng dại gì giới thiệu cho ai, đẹp trai học giỏi, gia thế giàu sang.
Mẹ nàng hoan hỉ thủ thỉ với nàng:
– Bé Tẹt đồng ý tìm hiểu đám này con nhé? Anh ta du học ở Mỹ và sẽ trở về nay mai.
Quế Hương kiêu hãnh khoe:
– Con cũng quen một anh đang du học ở Mỹ thua kém gì anh này đâu.
Mẹ nàng sa sầm nét mặt:
–  Có phải là anh chàng từng đến nhà mình mấy lần không? Ðừng thả mồi bắt bóng, cờ đến tay thì phất, đám này bạn mẹ biết rõ gia cảnh, tính nết chàng trai. Con trông đợi gì lời hứa hẹn của một người mới quen và đã đi xa?

Nàng biết nói sao cho mẹ hiểu, tình yêu ấy cho nàng một niềm tin anh sẽ không thể quên nàng, anh sẽ trở về. Quế Hương tìm cách hoãn binh :
– Mẹ thư thả vài tháng nữa để con ra trường xong hãy bàn đến chuyện “ra mắt” người mà bạn mẹ mai mối.
Chàng đã trở về. Những con hẻm nhà nàng lại rộn rã bước chân chàng.
Cha mẹ Quế Hương thấy chàng đứng đắn đẹp trai có ăn học nên đã chấp nhận cho con gái và chàng tìm hiểu nhau thêm trước khi quyết định đi đến hôn nhân.
 Họ vẫn thầm tiếc rẻ khi phải từ chối lời mai mối của bà bạn dù chưa biết mặt mũi anh chàng kia ra sao.

Thiệp cưới đã được phát đi quanh xóm, các nhà hàng xóm bây giờ mới biết con “bé Tẹt” hay “cô Thoa” tên thật là Quế Hương.
Mẹ con bà bánh chưng dày giò bảo nhau:
– Từ giờ trở đi mẹ mất mối bán bánh chưng, bánh dày giò cho bé Tẹt rồi.
– Ấy chết, mẹ đừng gọi “Bé Tẹt” nữa. Từ giờ chúng ta gọi cô ấy là Quế Hương.


Nhận tấm thiệp mời đám cưới. Bà bạn của mẹ nàng đã phát hiện ra một điều kỳ lạ, bà sững sờ nói với mẹ Quế Hương:
– Trời ơi… chàng rể tương lai nhà chị chính là chàng trai mà tôi định giới thiệu đấy. Hoá ra chúng nó đã quen nhau trước.
Mẹ nàng cũng ngạc nhiên và vui mừng:
– Nó có khoe với tôi quen chàng đang du học ở Mỹ. Ai ngờ hai chàng chỉ là một.
– Nghĩa là duyên số nhà chị nhất định phải có chàng rể này rồi. Chúc mừng nhé.

Trong khi đó chàng và Quế Hương cũng phát hiện ra điều kỳ lạ này.
Nàng mở to mắt ngạc nhiên nghe chàng kể. Khi chàng sắp về nước, mẹ chàng đã báo trước là chàng sẽ đi xem mắt một cô gái xinh ngoan nào đó, chàng vâng dạ cho xong.
Chỉ qua lời mai mối của bà bạn thân mà mẹ chàng đã thích mê, tin rằng cô gái ấy vừa xinh đẹp giỏi giang vừa con nhà nề nếp, là mẫu con dâu mẹ chàng mong muốn.
Nàng dí dỏm trêu chọc:
– May quá anh đã không đi xem mặt cô gái ấy mà… bỏ em.…
– Thì ra cô gái ấy là em. Anh đã chọn trước khi mẹ anh chọn. Chúng ta có duyên nợ với nhau sâu đậm quá, đã yêu nhau lại được người quen biết cả đôi bên gia đình chúng ta nhiệt tình đòi mai mối.


Giọng chàng trở nên mơ màng:
– Anh đã đi tìm em trong những con hẻm…
– Em biết anh muốn nói gì rồi. Những con hẻm thật dễ thương, có anh và có em…
– Ðúng thế, và mai sau dù cuộc đời có trở ngại quanh co như những con hẻm rắc rối của xóm em thì chúng mình vẫn không bao giờ lạc mất nhau em nhé…

Nguyễn Thị Thanh Dương

No comments:

Post a Comment

Cáo Phó và Chia Buồn Cụ Ông Dominico Trần Văn Điền thân phụ LS Trần Thái Văn

  Pham Kỳlam Like Reply 1d Tranh Nguyen Thành kính phân ưu.! Like Reply 1d Luc Van Thành Kính Phân Ưu . Like Reply 1d Ngan Nguyen Chia buồn ...