William Egan Colby
1* Mở bàiCơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (CIA=Central Intelligence Agency) được xem như một cơ quan tình báo nổi tiếng nhất thế giới, vì bất cứ ở đâu, chỗ nào cũng có tai mắt của CIA cả.
Trước những biến cố quan trọng trên thế giới, câu hỏi thường được đặt ra là: CIA có nhúng tay vào không?, CIA có biết trước được vụ việc đó không?
Chính quyền và người dân Hoa Kỳ quan niệm rằng nhiệm vụ của CIA là phải biết rõ mọi việc trên thế giới, vì thế CIA bị chỉ trích là không biết trước được việc lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-il sắp chết, không biết trước được việc Putin động binh đánh chiếm bán đảo Crimea thuộc Ukraina.
Vừa qua ngày 11-3-2014, Chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Hoa Kỳ, bà Dianne Feinstein tố cáo CIA xâm nhập vào máy vi tính của Thượng Viện. Giám đốc CIA là John Brennan bác bỏ cáo buộc đó. Thế là tranh cãi nổ ra, gây căng thẳng giữa hai cơ quan đó.
CIA có nhiệm vụ thu thập và phân tích tin tức của các chính phủ, các tổ chức và cả các nhân vật quan trọng, có liên quan đến chính trị, quân sự, kinh tế của các quốc gia, để giúp chính quyền Mỹ thiết lập chính sách đối ngoại với từng quốc gia một. Thu thập tin tức có hai cách: công khai và bí mật. Công khai là hợp pháp, vì không hợp pháp nên phải dùng biện pháp bí mật. Đồng thời CIA thực hiện những công tác bí mật do Tổng thống Mỹ trực tiếp điều khiển.
CIA có nhiều thành công rực rỡ, và cũng có những thất bại thê thảm như vụ đổ bộ lên Vịnh Con Heo ở Cuba năm 1961, và việc tổ chức những toán biệt kích VNCH ra miền Bắc trong kế hoạch ngăn chặn sự xâm chiếm miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt.
2* Những thất bại trong việc thả điệp viên ra Bắc của cơ quan tình báo CIA
2.1. CIA giải mật 36 điệp vụ gián điệp biệt kích xâm nhập miền Bắc
Biệt kích CIA lên đường nhảy dù xuống miền Bắc.
Năm 1968 đã có khoảng 500 biệt kích bị bắt giam ở miền Bắc và những gia đình được thông báo là họ đã chết, được cấp cho mỗi gia đình 4,000USD.Hai mươi năm sau, hơn 500 biệt kích được trả tự do từ những trại tù miền Bắc, nhiều biệt kích đã sống qua tù đày, có người bị giam cầm gần 20 năm.
Trong bốn năm từ 1961 đến 1965, CIA đã thực hiện 36 điệp vụ xâm nhập miền Bắc Việt Nam. Từ năm 1965 về sau những vụ xâm nhập miền Bắc do phái bộ Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ (MACV/SOG) thực hiện. (MACV/SOG=The US Military Assistance Command Vietnam/Studies and Observation Group (Nhóm Nghiên Cứu và Quan Sát thuộc Bộ Chỉ Huy Viện trợ Quân Sự Hoa Kỳ)
Bài viết nầy giới hạn trong các điệp vụ do CIA thực hiện dựa trên tài liệu giải mật và những tin tức do các anh hùng biệt kích thuật lại công tác trong thời gian 1961-1965 mà thôì.
Chi tiết những điệp vụ tuyệt mật nầy đã được giải mật bởi tài liệu của Trung Tâm Nghiên Cứu Tình Báo thuộc CIA.
Đánh giá về những thất bại trong việc thả biệt kích xâm nhập miền Bắc, tác giả Sedgwick Tourison mượn lời một cựu biệt kích Việt Nam đã phát biểu: “Tôi không cho rằng, không có toán biệt kích nào thành công cả. Thực tế đã có những toán xâm nhập vào và rút ra an toàn, nhưng đó chỉ là những điệp viên con thoi hoạt động có tính chất chớp nhoáng, có tính gây rối chỉ trong phạm vi phía Bắc khu phi quân sự mà thôi.
Còn các toán được tung ra hoạt động ở các vùng xa trên phạm vi rộng, và trong thời gian lâu dài thì hầu như hoàn toàn thất bại. Hình như các điệp viên của chúng ta đã bị đón lõng trước khi họ được tung ra miền Bắc với bất cứ phương tiện nào: đường không, đường biển, đường bộ, ở nơi hẻo lánh hoặc khu đông dân cư, dù ban ngày hay ban đêm, thì họ luôn được công an Cộng Sản Bắc Việt chờ đón”. Tác giả Sedgwick Tourison trong cuốn Secret Army, Secret War (Đạo quân bí mật, cuộc chiến bí mật) viết như thế.
Tourison nguyên là một nhân viên CIA đã có nhiều năm hoạt động ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan…Sau đó, ông là thành viên của Ủy Ban Chuyên Trách về POW/MIA (POW=Prisoner of war/ MIA= Missing in action) của Thượng Viện Hoa Kỳ. Ông đã bỏ công sức 10 năm để viết cuốn Secret Army, Secret War.
Đây là những câu chuyện có thật về hoạt động của đội quân gián điệp biệt kích do Mỹ xử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Một đội quân tới 500 người gồm 50 toán đã bị bắt, bị vô hiệu hóa khi thi hành hoạt động tuyệt mật của Washington chống lại Cộng Sản Bắc Việt.
2.2. Lội qua sông Bến Hải
Đêm 5-12-1960 một điệp viên Việt Nam dùng ruột bánh xe hơi làm phao lội qua sông Bến Hải. Trong tài liệu giải mật, tên của điệp viên nầy bị bôi đen. Một điệp viên Việt Nam ở bờ bên kia giúp xì xả hơi, cắt ruột xe ra nhiều mảnh nhỏ rồi chôn để thủ tiêu dấu vết.
Với giấy tờ giả mạo do CIA cung cấp, điệp viên nầy đã vượt qua hai chốt kiểm soát của công an Bắc Việt, anh đến thị trấn Hồ Xá trước khi trở về miền Nam theo đường cũ.
Tài liệu giải mật không cho biết điệp viên nầy đã thực hiện những nhiệm vụ gì ở bên kia sông thuộc miền Bắc.
Vào thời điểm thực hiện việc xâm nhập đầu tiên nầy thì một viên chức cao cấp của CIA, Robert Myers, đến thăm Sài Gòn và được trưởng phòng CIA Sài Gòn, William Colby, báo cáo chi tiết về dự án tung gián điệp người Việt Nam nhảy xuống miền Bắc.
Myers cho rằng kế hoạch rất khó thực hiện, nhưng Colby thuyết phục rằng có thể thực hiện ở những khu vực ít dân cư.
Trong báo cáo gởi về Tổng Hành Dinh CIA ở Langley, VA, CIA Sài Gòn cho biết quá trình chuẩn bị, từ việc tuyển mộ, đào tạo điệp viên phải mất một năm.
2.3. Điệp viên Việt Nam xâm nhập Đồng Hới
Ngày 26-3-1961 CIA thực hiện việc xâm nhập đơn độc thứ hai. Một điệp viên được đưa tới gần Đồng Hới, cách khu phi quân sự không xa.
Trong 5 ngày nằm vùng, điệp viên nầy quan sát hoạt động của công an miền Bắc, các kho quân sự nhỏ. Sau đó đi bộ đến sông Bến Hải và lội về miền Nam vào lúc ban đêm.
2.4. Toán biệt kích nhảy dù Castor và toán Echo
Castor Team Leader Ha Van Chap Một địa điểm nơi toán Castor nhảy xuống.
Nửa đêm 27-5-1961, CIA tiến hành việc xâm nhập miền Bắc bằng toán biệt kích nhảy dù mang tên Castor. Phi công là những người được tuyển chọn rất kỹ, lái phi cơ C-47 bí mật bay qua không phận miền Bắc trong đêm trăng sáng. Sở dĩ chọn những đêm trăng từ mồng mười đến rằm đến đêm 20 âm lịch, vì phi công cần ánh sáng để lái, biệt kích cần ánh sáng để điều khiển dù xuống đúng bãi đáp.Toán Castor nhảy xuống vị trí đã được ấn định thuộc tỉnh Sơn La, với nhiệm vụ là giám sát, ủng hộ và giúp phát triển sự nổi dậy của nhóm sắc tộc thiểu số trong vùng, đồng thời quan sát theo dõi sự chuyển quân của Cộng Sản Bắc Việt trên đường số 6. Toán Castor do thượng sĩ Hà Văn Chấp chỉ huy, ba toán viên là Đinh Văn, Quách Thường và Phạm Công Thương.
Castor được tuyển chọn rất kỹ với hy vọng họ sống sót ở một khu vực xa xôi không có người Kinh sinh sống. Thượng sĩ Hà Văn Chấp cùng ba toán viên nhảy xuống đồi 885, cách làng Nghĩa Lộ tỉnh Sơn La một km. Dân làng báo công an Bắc Việt là họ nghe tiếng động cơ của máy bay khi bay ngang qua ngôi làng hẻo lánh của họ. Cả toán Castor bị bắt sau 4 ngày chạm mặt đất.
Nhân viên truyền tin bị ép buộc phải làm việc cho Bắc Việt, đánh điện báo cáo về CIA Sài Gòn là cuộc xâm nhập đã thành công.
Ngày 2-6-1961 CIA cho toán Echo gồm ba người xuất phát từ Đà Nẵng nhảy xuống cùng vị trí của toán Castor với mục đích là hai toán bắt liên lạc với nhau để thi hành nhiệm vụ. Phi công trở về báo cáo cuộc nhảy dù suôn sẽ, xem như thành công. Thế nhưng sau khi chạm mặt đất, toán Echo chịu chung số phận của toán Castor, nằm trong tay an ninh Bắc Việt gồm công an vũ trang, bộ đội địa phương và chó nghiệp vụ. Một biệt kích bị dù vướng trên ngọn cây, anh ta cắt dây, té xuống đất bị gãy chân.
Tiếp theo sau đó những toán khác được thực hiện như các toán: Atlas (12-3-1961), Eros (Thanh Hoá ngày 10-3-1962), Swan (Cao Bằng ngày 4-9-1963), Tourbillon (1962), Remus (1963), Easy (1963), Hector, Romeo (Quảng Bình ngày 19-11-1965) …
2.5. Rõ ràng là CIA đã thất bại
Biệt kích bị bắt ở tỉnh Quảng Bình .
Theo tài liệu “How American Lost the Secret War in North Vietnam”- Kenneth Conboy, Dale Andradé, United Press, 2000 do Bạch Hổ ghi lại nội dung như sau:Trong tháng 6 năm 1962, không đếm xỉa gì đến những toán biệt kích đã mất tích, ngày 4-6-1962 CIA đã thả 3 toán cùng trong một ngày. Chỉ có toán Bell báo cáo, hai toán kia im bặt.
Ngày 7-6-1962. Ba ngày sau. CIA thả 2 toán đi trên cùng một chiếc C-54, thả dù xuống Ninh Bình và Thanh Hoá. Hai toán nầy cũng biến mất luôn.
Ngày 9-6-1962. Hai ngày sau. Hai toán khác lên đường nhảy xuống Hà Tĩnh và Nghệ An. Cũng bặt vô âm tín.
Ngày 11-6-1962. Hai hôm sau. Hai toán biệt kích lên đường. Một toán mật danh là Packer do Ngô Quốc Chung, người sắc tộc Tày làm trưởng toán. Toán thứ hai gồm ba người nhảy xuống tỉnh Hòa Bình. Cả hai toán cũng im hơi lặng tiếng.
Toán kế tiếp 8 người, mật danh là Giant, lên chiếc C-123 vào buổi tối, bay ra biển rồi lên Vịnh Bắc Bộ. Đến nơi nhảy ra khỏi phi cơ. Trong khi đó CIA Sài Gòn ngồi dò tìm làn sóng chờ nhận báo cáo, nhưng hoài công. Lại mất tích.
Mất tích quá nhiều, CIA Sài Gòn chuẩn bị cho toán chót nhưng rồi cũng không có hồi âm.
Trong vòng 7 tháng CIA đã thả ra Bắc 13 toán.
Rõ ràng là CIA đã thất bại vì những lý do sau đây:
- Chọn bãi đáp không đúng chỗ.
- Nhiều toán nhảy xuống quá gần khu đông dân nên nhanh chóng bị phát hiện.
- Nhiều toán bị bắt vì bị sập bẫy dụ địch của Bắc Việt.
Những ví dụ cụ thể như sau. Toán Tellus nhảy xuống Ninh Bình ngày 7-6-1962 bị phát hiện trong khi còn lơ lửng từ trên trời rơi xuống, bị bắt gọn trong vòng 25 phút.
Toán Packer thì xui xẻo hơn, nhảy ngay giữa làng. Nhân viên truyền tin rơi ngay trên nóc nhà của dân.
Ở một mục tiêu, từ xa phi công thấy lửa thắp sáng hình chữ “T” thì bổng nhiên súng phòng không 12.7 ly bắn lên trúng nhiều chỗ trên thân phi cơ, nhưng về đến nơi an toàn. Viên phi công người Tàu Đài Loan rét quá, chê đô la Mỹ nên xin nghỉ việc, dông tuốc về Đài Bắc. Phi hành đoàn Đài Loan khác cũng từ chối chuyến bay tiếp tế được lên lịch mà biệt kích và cả công an Bắc Việt cũng đang chờ đón.
Sở dĩ người Tàu Đài Loan được mướn thi hành công tác vì họ có kinh nghiệm xâm nhập bí mật vào lục địa.
Từ khuyết điểm nhỏ là chọn bãi đáp không đúng, đưa đến bị bắt và từ bị bắt khiến cho Cộng Sản Bắc Việt thi hành những kế dụ địch, tung ra những mẻ lưới mà các anh hùng vô danh của Việt Nam Cộng Hòa phải rơi vào tay giặc, kéo dài cuộc sống tù đày như địa ngục ở trần gian.
3* Điệp vụ Hạ Long (Ares)
3.1. Phạm Chuyên
Phạm Chuyên sinh năm 1922 tại Tiền An, tỉnh Quảng Ninh, là điệp viên xâm nhập miền Bắc bằng đường biển đầu tiên.
Hồ sơ Việt Cộng mô tả anh là một đảng viên thiếu kỷ luật, vi phạm đạo đức, tự cao tự đại, thái độ công thần, gây mất đoàn kết nội bộ nên bị khai trừ ra khỏi đảng. Bị vợ bỏ nên anh trốn vào Nam vào tháng 6 năm 1959.
Năm 1960, Phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống giao cho trung úy Đỗ Văn Tiên (mật danh là François) phái một điệp viên đơn tuyến xâm nhập miền Bắc. Trung úy Tiên và nhân viên CIA là Edward Reagan tìm được người thích hợp là Phạm Chuyên, nhưng anh từ chối. Trung tá Lê Quang Tung cử nhân viên theo dõi và thuyết phục suốt 6 tháng anh Phạm Chuyên mới nhận lời.
Anh được đưa ra Nha Trang để làm trắc nghiệm tâm lý và hai thử nghiệm khác, anh đạt được điểm xuất sắc. Anh dự các khoá huấn luyện thời gian 6 tháng.
Phạm Chuyên có mật danh là Hạ Long, tên liên lạc là Ares (Artery là động mạch, ý nghĩa là nguồn cung cấp tin tức quan trọng)
Theo kế hoạch thì Hạ Long sẽ xâm nhập bằng đường biển đến Vịnh Hạ Long là quê nhà của anh.
Tháng 2 năm 1961 từ căn cứ Đà Nẵng Hạ Long lên tàu Nautilus 1 theo hành trình hai ngày về hướng Bắc. Nhưng vì thời tiết quá xấu nên phải quay trở về. Ngày 4-4-1961 từ tàu Naulilus 1 Hạ Long chèo xuồng nhỏ vào bờ, chôn giấu hai máy truyền tin rồi đi thẳng về nhà cũ. Khi sum họp gia đình, Phạm Chuyên thuyết phục em là Phạm Độ và hai người bà con tham gia công tác.
Liền sau đó anh gởi về Sài Gòn 22 bản tin.
3.2. Lộ tẩy vì bút bi
Ngày 17-6-1961 công an Bắc Việt vây bắt Phạm Chuyên tại nhà. Bắt đầu từ việc một dân chài đi báo là đã thấy một chiếc xuồng nhỏ giấu ở bờ biển.
Công an lục soát từng nhà, chú ý đặc biệt đến những gia đình có liên hệ với miền Nam và có liên quan với chính quyền Pháp trước kia.
Một dân làng báo cáo đã thấy người lạ mặt ở căn nhà mé biển, người lạ nầy ngoảnh mặt đi khi họ chạm mặt nhau.
Một dân làng khác cho biết anh ta thấy người trong nhà xử dụng bút bi, môt thứ rất hiếm có ở miền Bắc.
3.3. Thành lập Ban Chuyên Án BK63
Tài liệu Việt Cộng cho biết ngày 17-6-1961 Phạm Chuyên với mật danh là Hạ Long, tên liên lạc là Ares đã bị bắt và chịu hợp tác để lấy công chuộc tội.
Bộ Công An cử Cục trưởng Cục K61 là Nguyễn Tài đến Quảng Ninh trực tiếp chỉ đạo việc xử dụng Phạm Chuyên thực hiện chuyên án BK63 để bí mật đấu tranh với CIA ở Sài Gòn. Phương thức được đặt ra là:
- Duy trì chuyên án BK63 hoạt động lâu dài nhằm khống chế hoạt động tình báo của CIA ở địa bàn Đông Bắc Việt Nam
- Phát hiện toàn bộ âm mưu, phương thức và thủ đoạn hoạt động của gián điệp biệt kích xâm nhập miền Bắc Việt Nam.
- Tổ chức câu nhử, đón bắt những nhóm gián điệp khác để chiếm giữ những phương tiện kỹ thuật và vũ khí hiện đại của CIA.
3.4. Mở màn chuyên án BK63
Ngày 8-8-1961 dưới sự chỉ đạo của chuyên án BK63, phiên liên lạc đầu tiên của Phạm Chuyên (Hạ Long-Ares) với đài P8M Sài Gòn, mở màn cho một chiến dịch đấu trí với CIA trong suốt gần 10 năm sau đó. BK63 đã qua mặt được CIA Sài Gòn.
BK63 cho biết, đã dụ địch tiếp tế 6 lần bằng cả đường biển và đường hàng không, tịch thu được nhiều phương tiện phục vụ công tác gián điệp, thuốc men, tiền bạc và cả vàng nữa.
3.5. CIA Sài Gòn tiếp tế cho gián điệp biệt kích “Hạ Long” (Ares, Phạm Chuyên)
Năm 1968 Phạm Chuyên cho biết bị bịnh sốt rét nặng và xin tiếp tế thuốc men. CIA báo cho Hạ Long biết ngày giờ và tọa độ của một số điểm tiếp tế.
Đến ngày N, giờ G thì một đoàn phản lực cơ xuất hiện bắn phá một số mục tiêu ở Hải Phòng trong khi đó, một phản lực cơ khác thả một container xuống đám ruộng đã ấn định và Hạ Long đã đánh dấu bằng 2 cụm khói trắng như đã quy ước. Cách tiếp tế nầy đã thực tập hai lần ở căn cứ Long Thành, đã có kết quả tốt.
Trong container, ngoài lương thực, thuốc men, quần áo còn có 10 khâu vàng thay thế tiền bạc để xử dụng khi cần. Ngoài các vật dụng trên còn có 4 lá thơ, trong đó một lá là thơ hỏi thăm của trưởng công tác. 3 lá còn lại được dán bì kín. Chỉ thị mua tem và gởi tới một địa chỉ ở Thái Lan. Trong một thời gian ngắn, hai lá thơ thăm hỏi thông thường đến tay người nhận, nhưng lá thơ thứ ba có “gài” một tài liệu mật giả tạo, không đến tay người nhận. Chờ hai tháng sau, CIA Sài Gòn hỏi về lá thơ thứ ba, thì được trả lời là hôm đi gởi thơ, bất ngờ có báo động vì lo tìm chỗ trú ẩn, thơ bị rơi xuống vũng bùn nên không gởi.
Thơ thứ ba là một đòn kiểm chứng, và BK63 bị sập bẫy của CIA. Hoa Kỳ nghi ngờ lòng trung thành của điệp viên Phạm Chuyên.
3.6. Giương bẫy bắt gián điệp biệt kích CIA
Theo tài liệu Việt Cộng, họ dùng kế hoạch dụ địch, ban chuyên án BK63 đã bắt trọn toán Eagle và Dragon xâm nhập miền Bắc.
3.6.1. Toán Dragon
Câu chuyện của biệt kích quân Mộc A Tài trưởng toán Dragon. Tất cả biệt kích trong toán Dragon đều có gốc rễ ở miền Bắc. Họ nói rành ngôn ngữ, đúng cách phát âm, biết rõ phong tục tập quán địa phương.
Trong khóa huấn luyện, các toán viên nhận ra rằng họ còn phải học hỏi thêm nhiều danh từ mới của chế độ mới ở miền Bắc.
Những toán viên Dragon gồm có: Vòng A Ung, Trênh A Sam, Giác Tú Cam, Vòng Hàng Quay và Trần Văn Mẫn. Cả 6 người đều là sắc tộc Nùng. Họ đi trên ba chiếc thuyền buồm được đóng tại Đà Nẵng theo khuôn mẫu của tàu đánh cá ngoài Bắc.
Toán Dragon và toán Eagle nằm trong kế dụ địch của chuyên án BK63 nên bị bắt ngay sau khi đến nơi.
3.6.2. Toán Eagle
Ngày 27-6-1964 toán biệt kích Eagle được thả dù xuống khu vực gần biên giới Việt Trung. Nhiệm vụ phá hoại đường sá, đường rầy xe lửa, căn cứ không quân. Họ chưa thi hành nhiệm vụ thì bị mất liên lạc. Toán nầy cũng nằm trong kế dụ địch của Cộng Sản Bắc Việt nên chịu chung số phận với Ares Phạm Chuyên.
3.7. Có đi mà không đến nơi
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, CIA muốn rút Phạm Chuyên về Sài Gòn, chuyên án BK63 tổ chức cho Phạm Chuyên trở về miền Nam bằng đường bộ, đến khu vực Vĩnh Linh thì mất liên lạc. Hà Nội cho biết, thể theo yêu cầu của Phạm Chuyên và gia đình, đương sự được đưa đến một nơi bí mật an toàn để Phạm Chuyên sống như một người dân bình thường.
CIA Sài Gòn chờ mãi mà không thấy biệt kích Hạ Long trở về.
Tài liệu Việt Cộng cho biết, trong suốt gần 10 năm đương đầu với CIA, ban chuyên án BK63 đã 13 lần vượt qua những bẫy thử thách về an ninh của CIA, đã cung cấp 300 tin tức giả mạo, câu nhử bắt hàng chục gián điệp biệt kích xâm nhập miền Bắc, thu giữ tàu địch, và hàng tấn vũ khí hiện đại, thuốc men, tiền bạc và có cả vàng nữa.
Sau 45 năm các cơ quan nghiên cứu của Mỹ khai thác hàng ngàn trang tài liệu, gặp gỡ phỏng vấn hàng chục nhân chứng và họ đã viết ra nhiều trang sách về điệp viên Ares.
Cựu nhân viên tình báo CIA, Sedgwick Tourison cho biết: “Điệp viên Ares, tôi biết anh ta quá rõ đi chứ.Tôi đã nghiên cứu hồ sơ của anh ta, anh ta có nhiều tên nhưng tên thật là Phạm Chuyên. Chúng tôi tuyển mộ anh để đưa anh quay trở lại Bắc Việt năm 1961. Anh ta vẫn giữ liên lạc với chúng tôi cho tới năm 1968. Và tôi không biết rõ anh ta hoạt động cho chúng tôi hay hoạt động cho Bắc Việt”.
Đến năm 1968 đã có 40 toán xâm nhập miền Bắc bằng đường hàng không nhưng chỉ còn có 5 toán giữ được liên lạc với trung ương Sài Gòn. Đó là những toán: Tourbillon (1962), Ares (Phạm Chuyên 1962), Remus (1963) Easy (1963) và Eagle (1963)
Theo đánh giá chung của Việt Mỹ thì 5 toán nầy hình như bị địch kiểm soát và khống chế.
4* Đem con bỏ chợ
Từ năm 1965 trở về sau, công tác biệt kích nhảy Bắc do Nhóm Nghiên Cứu và Quan Sát thuộc Bộ Chỉ Huy Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ ở Việt Nam (MACV-SOG) phối hợp với Nha Kỹ Thuật Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH thực hiện.
Tại Long Thành, CIA để lại cho SOG hơn 20 nhân viên đã huấn luyện xong, nhưng SOG không tin tưởng họ. Không thể trả họ về các đơn vị cũ vì họ đã biết quá nhiều về hoạt động bí mật cũng như về số phận của các toán ở miền Bắc. Người Mỹ cho rằng cách giải quyết tốt nhất là thả họ ra Bắc rồi tùy vào số phận may rủi của họ dưới tay lực lượng an ninh Bắc Việt. Và như thế trong 3 tháng: tháng 5, 6 và tháng 7 năm 1964 tất cả những toán biệt kích: Boone, Buffalo, Lotus, Scorpion nhảy dù xuống miền Bắc đều bị bắt.
Sau đó SOG tuyển mộ nhân viên mới cho họ.
5* Vinh danh những anh hùng Biệt Kích “vô danh”
Biệt Kích Nhảy Bắc Toán Hadley chụp hình tại Trung Tâm Huấn Luyện Long Thành.
Những chiến sĩ biệt kích thuộc Toán Strata trước ngày xâm nhập ra Bắc vào Tháng Mười Một, 1967.
Những Anh Hùng “Vô Danh”
Biệt kích Nguyễn Văn Hợp.
“Những người trai trẻ hăng say lao mình vào cuộc chiến để bảo vệ dân chủ, tự do cho Tổ Quốc, dân tộc trong một “quân đội bí mật của cuộc chiến bí mật”. (Secret Army-Secret War)
“Năm 1972, theo Hiệp Định Paris thì tù binh Mỹ được trao trả nhưng những người biệt kích như chúng tôi thì không được ai nhận cả.
Sau 20 năm trong cảnh tù đày, ngày trở về thì những người biệt kích sống lang thang đói rách vì không còn một ai, kẻ thì vượt biên, người thì đã sang ngang. Và trong sổ bộ đời thì họ là những “xác ướp biết đi” vì đã bị khai tử từ lâu.
Trong chương trình HO, lúc ban đầu chúng tôi không đủ điều kiện để được thoát ra khỏi nhà tù lớn của chế độ mặc dù chúng tôi bị tù ít nhất cũng là 15 năm”.
5.1. Những lời phiền trách nhẹ nhàng nhưng thấm thía
Trong bài diễn văn đọc ngày 29-10-1995 tại Georgia, một đại diện Biệt Kích Nhảy Bắc phát biểu:
“Thảm kịch của những biệt kích Việt Nam không phải là ngẫu nhiên. Thất bại của cuộc chiến tranh bí mật Việt Nam là thất bại của những người điều hành cuộc chiến đó. Thảm kịch của dân tộc Việt Nam cũng bắt nguồn từ sự sai lầm và bội ước trong quá khứ”.
Phải đau lòng lắm mới thốt ra những lời trách cứ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và thấm thía như thế.
Nhưng ai chịu trách nhiệm về những sai lầm của lịch sử trong quá khứ đây?
5.2. Ghi ơn những anh hùng biệt kích “vô danh”
Ký giả Rô Lăng, cựu trung tá Phan Lạc Phúc, cho biết: “Chúng tôi đi tù cải tạo dù đau đớn khổ nhục đến đâu vẫn còn có tên có tuổi, hàng tháng, hàng quí vẫn có liên lạc với gia đình. Còn những anh em biệt kích dù thì đúng là “thượng diệt hạ tuyệt” vì không có quân bạ, quân số, không có tên tuổi nào được đăng ký, không có chính phủ nào, quân đội nào thừa nhận. Không được liên lạc với ai, coi như không còn có mặt trên cõi đời nầy. Không được hưởng qui chế tù binh Geneve, và các tổ chức nhân đạo như Hồng Thập Tự Quốc Tế, Ân Xá Quốc Tế cũng không biết làm sao mà can thiệp”.
6* CIA thất bại trong sự kiện Vịnh Con Heo ở Cuba
Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) Lữ đoàn Cuba lưu vong 2506.
Sự kiện Vịnh Con Heo (Playa Giron-Bay of Pigs) là một nổ lực quân sự của người Cuba lưu vong được CIA huấn luyện và quân đội Hoa Kỳ hỗ trợ, đổ bộ lên Vịnh Con Heo để lật đổ chế độ Cộng Sản của Fidel Castro.
Tổng thống Kennedy Fidel Castro.
Kế hoạch do Phó Tổng thống Nixon đề xuất, Tổng thống Dwight D. Eisenhower phê chuẩn. Phó Giám đốc CIA Richard Mervin Bissell Jr. biên soạn và Tổng thống John F. Kennedy phát lịnh tấn công, và giao toàn bộ cho CIA trực tiếp diều khiển gọi là Chiến dịch Pluto.
Ngân khoản 46 triệu USD.
Quan điểm của Tổng Thống Kennedy là : “Không thể để cho Cộng Sản thống trị Tây bán cầu”.
Theo kế hoạch, sau khi đổ bộ làm chủ Vịnh Con Heo (Playa Giron) một Chính Phủ Kháng Chiến Lâm Thời được thành lập. Lập tức, Hoa Kỳ công nhận đó là chính phủ hợp pháp, và thể theo yêu cầu của chính lâm thời, HK sẽ yểm trợ quân sự toàn diện tiến hành lật đổ chế độ Cộng Sản Cuba.
8.2. Chuẩn bị cuộc đổ bộ
Tháng 4 năm 1960, CIA bắt đầu tuyển mộ người Cuba lưu vong ở Miami, Florida. Việc huấn luyện được thực hiện nhiều nơi. Huấn luyện du kích, bộ binh, nhảy dù, xâm nhập, phá hoại, đào tạo phi công và lái xe tăng tại nhiều nơi như ở Nicaragua, Guatemala, Puerto Rico, ở trong nước thì tại Fort Benning (Georgia), Kentucky, New Orleans.
Lực lượng Cuba lưu vong 1,500 người, tự đặt tên là Lữ Đoàn 2506. Mỗi người được lãnh 400USD và 175 USD phụ cấp gia đình.
Ngày 9-4-1961.
Tất cả nhân sự, tàu bè, xe tăng, xe bọc thép, phi cơ được chuyển từ Nicaragua đến Guatemala. 32 chiếc phi cơ ném bom B-26, một số mang nhãn hiệu Không lực Guatemala (Fuerza Aérea Guatemalteca), số còn lại xoá tất cả xuất xứ Hoa Kỳ. 20 chiếc B-26 trong số đó được cải tiến, gắn thêm súng máy và các bệ phóng hỏa tiễn.
8.2.1. Đổ bộ nghi binh ngày 14-4-1961
Đêm 14-4-1961, 164 người Cuba lưu vong do Higinio “Nino” Diaz chỉ huy. Dùng thuyền nhẹ mang cờ hiệu Costa Rica đổ bộ lên Baracoa, tỉnh Oriente, trong khi đó, những tàu chiến Hoa Kỳ thả neo ngoài khơi, tạo cảm giác lực lượng sẽ đổ bộ lên địa điểm nầy. Đó là kế nghi binh.
8.2.2. Tấn công phi trường Cuba ngày 15-4-1961
6 giờ sáng ngày 15-4-1961, 8 phi cơ ném bom B-26, chia làm 3 nhóm, tấn công 3 phi trường. Các phi cơ sơn dấu hiệu “Lực lượng Không quân Cách Mạng” (Fuerza Aérea Revolucionairia-FAR). Phi cơ cất cánh từ Nicaragua, mục đích phá hủy những phi cơ chiến đấu của Fidel Castro. Kết quả, 10 phi cơ của Castro bị phá hủy. Một phi cơ Mỹ bị bắn rơi.
8.2.3. Chuyến bay giả ngày 15-4-1961
Ngày 15-4-1961, 90 phút sau khi 8 chiếc B-26 cất cánh, một phi công Cuba lưu vong giả làm phi công của Fidel Castro đào ngũ, xin được đáp khẩn cấp xuống phi trường quốc tế Miami, vì phi cơ bị trúng đạn, hỏng máy. Anh tự khai là Juan Garcia và tuyên bố, anh cùng 3 đồng chí đào ngũ khỏi Không Quân của Castro.
Ngày hôm sau, anh được phép cho tỵ nạn tại Hoa Kỳ, và ngay đêm đó, anh được đưa trở lại Lữ đoàn 2506 để tham gia đổ bộ ngày 17-4-1961.
Để dàn cảnh như thật, cái tấm che động cơ của chiếc B-26 được tháo ra, bắn đạn vào rồi ráp lại, cho nên các phóng viên có thể chụp hình những vết đạn của phi cơ. Một số B-26 của Hoa Kỳ mang số 933 của không quân Cuba.
8.3. Cuộc đổ bộ ngày 17-4-1961
8.3.1. Lực lượng đổ bộ
Lực lượng Cuba lưu vong 1,400 người chia thành 6 tiểu đoàn của Lữ đoàn 2506. Hải Quân Hoa Kỳ huy động trên 20 chiến hạm đủ loại, bao gồm hàng không mẫu hạm USS Essex và 2 tàu ngầm.
Tàu đổ bộ của Lữ đoàn 2506 tại bãi Playa Larga.
Lính Mỹ tại Vịnh Con Heo Hai người Cuba lưu vong chào cờ trước khi đổ bộ.
8.3.2. Cuộc đổ bộ nghi binh lần thứ hai ngày 16-4-1961Đêm 16-4-1961, một cuộc đổ bộ nghi binh được thực hiện tại tỉnh Pinar del Rio, gồm một toán quân nhỏ, kéo theo những chiếc bè phát ra những âm thanh tạo cảm giác như một cuộc đổ bộ thật sự đang diễn ra ở nơi nầy. Nghi binh nầy có kết quả, là Fidel Castro đã rời bỏ Vịnh Con Heo.
8.3.3. Cuộc đổ bộ thật sự ngày 17-4-1961
Hai địa điểm đổ bộ là Vịnh Con Heo (Playa Giron) và Playa Larga.
- Lúc 00 giờ ngày 17-4-1961
Hai toán phá hoại dưới nước và người nhái xâm nhập vào 2 vịnh nói trên, bật tín hiệu cho 6 tiểu đoàn đổ bộ. 1,300 người Cuba lưu vong cùng xe tăng, xe bọc thép tiến lên bờ.
Ở bãi Larga, việc đổ bộ bị trì trệ vì những chiếc thuyền nhỏ bị đá ngầm và san hô làm hư hỏng. Số là những bãi san hô hình dạng sắc bén được phi cơ do thám U-2 chụp hình, làm cho CIA hiểu lầm, cho rằng đó là những đám rong biển, nên chọn làm nơi đổ quân.
Sự trì hoãn làm cho kế hoạch bị bại lộ. Đám dân quân trên bờ báo cáo về bộ chỉ huy của họ, trước khi họ bị quân đổ bộ tiêu diệt.
- 6 giờ 30 sáng
Các phi cơ của Fidel Castro tấn công vào quân đổ bộ. Ở bãi Larga một chiến hạm Mỹ bị trúng hỏa tiễn. Khoảng 270 người được thả xuống, nhưng khoảng 180 người bị chết chìm hoặc bị bắn chết khi tiến vào bờ.
- Lúc 7 giờ sáng
2 phi cơ Cuba đánh chìm một tàu hộ tống Mỹ.
- 7 giờ 30 sáng
5 phi cơ vận tải HK thả 177 lính dù thuộc Lữ đoàn 2506, 30 người cùng vũ khí nặng được thả xuống gần nhà máy đường của Úc, nhưng những thiết bị nặng bị lạc trong đầm lầy không lấy lên được. Các nhóm khác được thả xuống chung quanh khu vực, mục đích phong tỏa và kiểm soát con đường tiến quân của Castro, nhưng họ chỉ làm chủ con đường trong 2 ngày.
- 8 giờ 30
Một phi cơ Cuba bị bắn hạ.
- 9 giờ
Quân đội và dân quân Cuba được tăng viện bằng những chiếc xe thiết giáp được xe tải chở đến, họ bắt đầu tiến về khu vực lò đường của Úc, nơi quân dù đang chiếm giữ. Trận chiến nổ ra, quân dù thất thế vì vũ khí nặng bị kẹt ở đầm lầy và quân số quá ít.
- 9 giờ 30
Một chiến hạm Mỹ bị phi cơ Cuba bắn chìm.
- 11 giờ
Một phi cơ Cuba bị bắn hạ. Đồng thời, hai chiến hạm HK rút lui ra hải phận quốc tế.
Sau 3 ngày chiến đấu, cuộc đổ bộ không thành công. Tổng thống Kennedy ra lịnh ngừng tiếp viện cho lực lượng đổ bộ, vì do áp lực của Liên Xô và dư luận tại Liên Hiệp Quốc.
Cuộc đổ bộ thất bại, một phần do kế hoạch bí mật bị tiết lộ. Đó là qua những cuộc nói chuyện của những thành viên trong Lữ đoàn 2506, kế hoạch bị tiết lộ, đồng thời tình báo KGB của Liên Xô cũng đã thông báo cho Fidel Castro về việc nầy. Để đối phó, Che Guevara đã tổ chức dân chúng thành nhưng toán dân quân và huấn luyện cho họ xử dụng vũ khí.
Fidel Castro và Che Guevara chỉ huy cuộc đánh trả.
5.3.4. Hậu quả
Bị bắt làm tù binh.
Chiến hạm Houston của Mỹ bị bắn chìm Vũ khí Mỹ bị tịch thu Phi cơ ném bom B-26 bị bắn rơi.
Đài tưởng niệm chiến sĩ Lữ đoàn 2506 ở Miami, Florida.
1). Về phía Hoa Kỳ118 chết, trong đó có 4 phi công Mỹ.
1,201 người Cuba lưu vong bị bắt làm tù binh
2). Về phía Cuba của Fidel Castro
176 quân chính quy thiệt mạng.
Từ 4,000 đến 5,000 chết, mất tích và bị thương. Họ là dân quân và thường dân có vũ trang.
5.3.5. Phân tích nguyên nhân thất bại
Ngày 22-4-1961, Tổng thống Kennedy yêu cầu tướng Maxwell D. Taylor, Bộ trưởng Tư Pháp Robert F. Kennedy, Đô đốc Arleigh Burke, và Giám đốc CIA Allen Dulles báo cáo nguyên nhân thất bại.
- Không thấy trước được sự thất bại của một chiến dịch bí mật.
- Thiếu phi cơ, tàu đổ bộ và súng đạn.
Đến năm 1996, bản báo cáo tuyệt mật của CIA mới được biết đến:
1. CIA đã vượt quá khả năng của mình khi phát triển một kế hoạch gồm 2 giai đoạn, du kích chiến và vũ trang công khai.
2. Không có sự tham gia đầy đủ của các lãnh tụ lưu vong.
3. Không tổ chức được 1 cuộc nổi dậy bên trong Cuba. (Có lẻ vì dân Cuba chưa thấm đòn Cộng Sản sau 2 năm “cách mạng”.)
4. Quản lý và thông tin nội bộ kém, vì thiếu người Mỹ biết nói tiếng Tây Ban Nha của Cuba.
5. Thiếu kế hoạch xử lý khi bị thất bại bất ngờ, nên không cứu được người đổ bộ.
Giám đốc CIA Allen Dulles và 2 Phó Giám đốc Charles Cabell và Richard Bissell Jr. được khuyến cáo nên từ chức năm 1962.
6* Kết luận
Một đại diện của biệt kích đã phát biểu: “Thảm kịch của những biệt kích Việt Nam không phải là ngẫu nhiên. Thất bại của cuộc chiến tranh bí mật Việt Nam là thất bại của những người điều hành cuộc chiến đó”.
Thất bại của CIA Sài Gòn đã đẩy hàng ngàn thanh niên nhiệt tình bảo vệ Tổ Quốc vào cảnh tù đày như địa ngục trần gian của lao tù Cộng Sản. Một số chết trên đường hành quân, chết khi đụng trận, bị xử bắn khi bị kết án tử hình, chết vì bịnh tật trong nhà giam, và cuối cùng còn 500 người bị tù từ 10 đến 25 năm.
Họ là những thanh niên nhiệt tình yêu nước, chấp nhân phương châm khi gia nhập binh chủng là “Hy sinh trong bóng tối. Tất cả vì Tổ Quốc”. Những thanh niên phải từ giả người yêu, từ giả mẹ già tham gia vào cuộc chiến bảo vệ tự do dân chủ cho miền Nam Việt Nam.
Một trưởng biệt kích ghi lại những kỷ niệm không quên, đó là câu chuyện của một nhân viên sắp lên đường đi công tác.
“Một nhân viên của tôi sắp lên đường. Anh đến gặp tôi và trao một chồng thơ khá dày đã đề sẵn tên người nhận. Anh nói:”Anh Dũng, anh biết em là con một, em đi nhưng không dám nói thật cho mẹ em, vậy em nhờ anh mỗi tháng đến thăm mẹ em và trao cho mẹ em bức thơ nầy, nói là em đang đi học ở ngoại quốc gởi về, cho mẹ em yên tâm. Tôi xúc động. Nhìn người thanh niên ấy với tất cả lòng thương yêu và mến phục. Hàng tháng, tôi đến thăm và trao thơ cho bà mẹ. Nhưng đau đớn thay, lá thơ cuối cùng đã được trao nhưng khóa học…vẫn chưa mãn”. (Nguyễn Văn Vinh)
Trời thương, người thanh niên kiên cường và hiếu thảo ấy đã trở về từ cõi chết sau 20 năm trong lao tù Cộng Sản.
Nha Kỹ Thuật Âm Thầm Trong Bóng Tối, Thì Vinh Quang Không Vượt Khỏi Bóng Đêm.
Trúc Giang
Minnesota ngày 24-3-2014
No comments:
Post a Comment